Thứ Tư, 30 tháng 12, 2009

HÃY CHO QUA


Anh Bình chữa lại cho mình cụm từ laissez passer đúng theo cách nói của dân Tây: ‘’Hãy cho qua" Người An Nam mình cũng có triết lý MACKENO ( Mặc kệ nó ), xem ra chữ nghĩa cũng có nhiều chuyện lắm bàn….
Buổi chiều, nhận được cú điện báo việc đi tham dự Hội nghị về giáo dục tương lai…tại Thành phố do Viện NCGD đăng cai tổ chức. Tại sao lại là mình ? Dự để nghe, để biết chớ có nói và làm được gì khi mà nhiều năm, mình ấp ủ bao nhiêu ý tưởng, có lúc cũng mạnh dạn đề xuất, nhưng tất cả đều laissez passer. Phải chi để cho ai đó có tầm, có quyền, có sức chi phối đi dự HN để về chí ít cũng gieo được hạt mầm ý tưởng ?
Sự đời, có những cái không bình thường đều mặc nhiên tồn tại, thậm chí cứ lắp đi lắp lại mà không ai phát hiện thấy có gì nghịch lý. Vậy đó, nó giống như con bướm vàng đậu trái mù u không ăn nhập gì với tiếng ru buồn của người con gái lấy chồng sớm phải quên đi cái thì xuân sắc mà chìm ngập trong cơ cực – nuôi con tới tới…!
Tôi có thói quen phát hiện cái không bình thường nằm chìm khuất trong cái bình thường. Để chi? –Cũng không biết để làm gì …? Thôi thì cứ để mà chơi vậy !

Mấy hôm nay, nghe mọi người nhắc lại câu ca dao :
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên mụ canh gà Thọ xương
( Câu nầy nhiều người biết và thuộc lắm đấy!)
Những ngày ở miền Bắc, tôi được mai mắn kết thân với một sư huynh vốn là người có nhiều đa mang với Hà Nội. Từng lao động XHCN đắp đường Thanh niên mà Anh ta gọi ngày xưa là đường Cổ Ngư. Tôi biết nhiều về Hà Nội, về những địa danh cũng qua con người nầy. Chúng tôi có thói quen bỏ Hội nghị để đi chơi, đi tranh thủ để có thể sẽ không còn dịp nào khác. Lang thang bên Hồ Tây nhiều ngày, được ăn bánh gai cột bằng những chiếc lạt tre nhuộm màu tim tím, không biết gói lúc nào mà bên trong đã ẩm mốc. Không sao! Cứ lau sạch là dùng, bao nhiêu thế hệ đã qua vẫn dùng. Thời ấy, bao cấp, thiếu thốn, khái niệm vệ sinh an toàn thực phẩm người ta chưa quen dùng. Tôi được thăm chùa Trấn Quốc, đền Quan Thánh, được biết con Sâm cầm, được ăn bún ốc Hồ Tây….
Anh bạn tôi giải thích, ngày xưa, xung quanh Hồ Tây là những làng nghề, dân cư sinh sống bằng những nghề truyền thống . Và Anh minh họa băng 4 câu:
Gió đưa cành trùc la đà
Tiếng chuông Trấn Võ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ
Trấn Võ là tên xưa của chùa Trấn Quốc, Thọ Xương là tên một ngôi làng ven Hồ Tây, Yên Thái cũng là tên một ngôi làng bên Hồ Tây có nghề làm giấy…
Bốn câu ca dao trên là cảm nhận của một nghệ nhân dân gian nào đó khi đứng bên Hồ Tây: Nghe tiếng chuông trong chùa, nghe nhịp chày giả bột giấy từ làng Yên Thái, nghe tiếng gà trưa từ bên miệt Thọ Xương….Trong không gian của một thời khắc: Thu – lạnh – sương lan tỏa trên mặt Hồ Tây …Anh bạn tôi đùa: - Hình như tác giả 4 câu ca dao trên cũng đứng chỗ nầy, (chỗ chúng tôi đứng) tức cảnh -sinh tình mà sáng tác 4 câu để đời như một viên ngọc lấp lánh miêu tả cảnh Hồ Tây...
Trở lại chuyện tréo ngoe ngôn ngữ,
Tiếng chuông Thiên mụ, canh gà Thọ Xương
Tôi có hỏi một anh bạn khác là dân Đại nội Huế chính thống, anh ta nói, ở Huế không có địa danh Thọ Xương! Như vậy, trong một văn cảnh mà gắn hai địa danh cách xa nhau gần 800 km thì quả thật là gượng ép quá !
Vậy đó! Sự đời có những cái tréo ngoe vẫn ngang nhiên tồn tại. Có sao đâu? Cứ cho qua ! cứ Mackeno! LAISSEZ PASSER mà !

Thứ Năm, 17 tháng 12, 2009

CUỘC SỐNG LÀ NGHỆ THUẬT BIẾT VẬN DỤNG NHỮNG KHẢ NĂNG


Lâu lâu, nghiệm lại ý tưởng nầy mới ngộ ra nhiều chuyện. Khả năng là cái có thể và cũng là cái không có thể thành hiện thực.Mấu chốt của vấn đề là ở chỗ vận dụng:
- Chiều qua, đội bóng đá Việt Nam thua 0-1, nhiều người bị “xí hụt”. Mình thì không! Lý do đơn giản… nghệ thuật vận dụng những khả năng mà! Sau một thất bại, người ta thường đưa ra nhiều lý do. Tuy nhiên, giả sử trận cầu chiều qua Việt Nam thắng… Bao nhiêu hệ lụy kéo theo…Nhiều người phá sản vì máu đỏ đen( cái nầy không sao, đáng đời vì tội mưu sinh trên những giọt mồ hôi của người khác ). Bệnh say men chiến thắng; cái nầy bất trị, nó làm cho con người ta “ không biết mình là ai…
- Cuộc sống là nghệ thuật biết vận dụng những khả năng. Có lúc, nhìn xung quanh thấy đâu đâu cũng là màu xám. Soát xét lại xem còn những gì để có thể làm công việc của anh thợ vẻ cải tạo cái màu vốn vô cảm đó không.Như vậy là vận dụng, là kiếm tìm. Mấy hôm nay, Báo Tuổi Trẻ và G.S Tương Lai cảnh báo về chuyện học sinh học trong các trườnng Quốc tế, lo cho tụi nhỏ mất gốc. đánh mất… toàn là những cảnh báo mang tầm chiến lược. MACKENO! được không ? Đưa vào nào là ý thức xã hội- tồn tại xã hội…rồi thì dzữ hơn nữa là bản sắc văn hóa dân tộc … Lớn quá . Ở phương Tây có triết lý “LAISSEZ PASSER” cứ để cho nó tự phát triển.Cứ cho nó qua đi .. Người Việt thường có thói quen nói chuyện người khác, hay quen nói chuyện Người mà ít nói chuyện Mình. Quen cách nghĩ áp đặt, thấy cái gì không vừa ý là cứ “ theo tui” “theo tôi” không cần tìm hiểu các cháu HỌC CÁI GÌ – HỌC NHƯ THẾ NÀO, sau khi học thu được cái gì và sự thu họach đó có cần cho mọi người hay không?…Bệnh áp đặt, ông Anh mình ở L.A gọi là “ sự đồng phục trong tư duy”. Thật hết chỗ nói, trong miền sâu kín của con người, cách nghĩ cũng phải theo …! Mà cũng có lý thôi: không nghĩ theo làm gì có chuyện nói theo, mà không nói theo thì làm sao có chuyện ăn theo… cuối cùng theo tất….

Thứ Tư, 2 tháng 12, 2009

ÔNG THIỆN VÀ ÔNG ÁC


Ở Việt Nam, các chùa Phật giáo thường có thờ hai bức tượng cỡ lớn. Dân gian thường gọi là ông Thiện, ông Ác. Hai ông cưỡi hai con kỳ lân lớn, ông cầm thanh long đao, ông cầm sổ sách, thân hình cao lớn, mắt phượng, mày ngài, oai phong lẫm liệt, ai nhìn vào cũng kính nể. Ông Thiện là ngài Hộ Pháp và ông Ác là ngài Tiêu Diện Đại Sĩ.
Thường thì tượng hai ông được đặt trong nhà Bái đường hay tiền đường, tư thế của hai ông thường chỉ hai tư thế là quay mặt ra ngoài hay hướng mắt vào nhau. Đặc điểm chung của hai ông:
- Bao giờ cũng được tạc rất to, có thể là to nhất trong các tượng trong chùa.
- Có thể đứng hoặc ngồi, có thể có con lân hay sư tử kèm theo, tay thường cầm binh khí hoặc sổ sách, tượng thường có những dải lụa xung quanh mình nhằm thể hiện sự thần thông nhưng cũng tạo tính mỹ thuật.
- Được làm bằng đất sét, giấy bồi, hoặc gỗ.
- Nhìn rất dễ phân biệt, ông Ác thì mặt đỏ, cầm binh khí, dáng dữ tợn, ông Thiện cầm sổ sách mặt trắng hoặc hồng, dáng hiền từ.
Thật ra có rất nhiều cách gọi tên hai ông này, bấy lâu nay dân gian vẫn quen gọi là “ông”, là “ngài”, có lúc gọi là ông Thiện, Ông Ác, nhưng cũng có nơi, có lúc gọi là hai vị Kim Cương, hai vị Hộ Pháp ...
Hai ông Thiện và Ác có nghĩa là khuyến thiện và trừng ác, nó phản ánh đại diện cho phần nào quyền lực của nhà Phật trong việc cứu vớt chúng sinh.
Có tích rằng, “ Thời thượng cổ, vua Tỳ Kheo có hai con trai là Tỳ Văn và Tỳ Võ. Tỳ Văn thì hiền lành, trái lại Tỳ Võ rất hung dữ.
Vua Tỳ Kheo rất hâm mộ đạo đức. Lúc ấy, Đức Nhiên Đăng Cổ Phật mở Phật giáo ở Ấn Độ, độ được vua Tỳ Kheo. Vua Tỳ Kheo lo lập chùa để tu niệm và muốn nhường ngôi lại cho con trưởng là Tỳ Văn hiền lành, nhưng lại sợ Tỳ Võ hung dữ không chịu.
Vua Tỳ Kheo lập kế, sai Tỳ Võ đi các trấn vỗ an bá tánh và đến Hàng Châu chiêu mộ anh tài. Nơi triều đình, vua Tỳ Kheo nhường ngôi cho Tỳ Văn, còn ông vào chùa tu niệm.
Khi Tỳ Võ hoàn thành nhiệm vụ, trở về triều, thấy anh mình là Tỳ Văn đã lên ngôi vua rồi. Tỳ Võ liền nói: “Anh hiền lắm, làm vua sao được, dân không sợ đâu. Anh hãy để ngai vàng lại cho tôi”. “Tôi dữ là dữ với kẻ hung ác bạo tàn vô đạo chớ không dữ với người đạo đức bao giờ”.
Tỳ Văn nghe em nói như vậy biết là Tỳ Võ muốn lên làm vua, sợ phải thất lời với vua cha, nên Tỳ Văn vội vàng cầm ngọc tỷ chạy lên chùa để báo cho vua cha sự việc. Nhưng khi Tỳ Văn chạy tới cửa chùa thì vấp té chết, linh hồn thoát xác đi lên cõi Trời.
Tỳ Võ đuổi theo tới nơi, thấy xác của anh mình nằm chết trước cửa chùa, cúi xuống lượm ngọc tỷ cầm lên, bất giác hối hận ăn năn, thấy con người khi chết không đem theo được gì cả, bao nhiêu tiền tài, danh vọng, quyền thế, đều bỏ lại cõi đời, linh hồn chỉ ra đi với hai tay trắng. Tỳ Võ thức tỉnh, quyết bỏ hết sự đời, theo vua cha tu niệm, cuối cùng thì đắc đạo”.


Lời bàn ,
Đó là chuyện xưa, truyền tụng trong dân gian…

-Dữ mà lên trời như Tỳ Võ thì cũng nên dữ ?
-Ngày nay, chúng ta lại thấy hai ông mới. Chức năng của hai ông này hoàn toàn khác hai ông Thiện, Ác. Một ông có khả năng cứu người và một ông có khả năng giết người. Đó là ông “cơ chế” và ông “các lực lượng thù địch”.
???????????????????????

Thứ Ba, 1 tháng 12, 2009

CHO & NHẬN




Hãy cho nhau niềm hạnh phúc ngọt- lành
Trong cuộc sống đơn sơ mà dễ hiễu
Cái thật gần đừng buốt giá thành băng
Làm đông cứng hạt mầm yêu để sống






( Một kỷ niệm đẹp tại trường THCS NGUYỄN DU Xã Tắc Vân -TP Cà Mau )




Nơi đây, địa chỉ ưom mầm, nơi đào tạo và cung cấp những Thầy- Cô dạy giỏi cho tòan TP Cà Mau. Là trường ngọai ô TP, nhưng được vào học trường nầy không phải dễ, phải “ chạy” và “ chen” mới được nhận vào nếu không phải học sinh nằm trong tuyến …