Thứ Hai, 15 tháng 3, 2010

Thứ Năm, 11 tháng 3, 2010

CÓ MỘT GIA TỘC HỌ TRẦN ĐI TỪ THÁI BÌNH ĐẾN CÀ MAU


Bấy lâu nay, khi nói về vùng đất phương Nam, mọi người thường gắn liền với công trạng của các vua quan triều Nguyễn. Bài thơ NHỚ BẮC của tướng Huỳnh Văn Nghệ sau khi nhắc đến thanh gươm đi mở cõi đất Thăng Long thì Nguyễn Hoàng, được xếp như là người đứng ở vạch xuất phát của cuộc hành trình về Nam trong bài thơ để đời trên . Sau đó, các vị "vua con", mỗi người một công sức, thậm chí các quan lại như Lê Văn Duyệt, Nguyễn Hữu Cảnh, Thoại Ngọc Hầu ... , những cái tên được xếp vào hàng” Khai quốc công thần”của công cuộc chinh phục mãnh đất phương Nam… Cũng phải thôi! Những con người trực tiếp khai phá, dọn dẹp thì phải được ghi tên vào những bảng son, thếp vàng, phải được ngưỡng vọng trước- trong và sau các nghi thức” duy linh”- “ tế tự”. Có một chi tiết mà mọi người bỏ quên. Một sự thật lịch sử quan trọng, đánh dấu bước mở đầu của làn sóng di dân về phía Nam. Có thể nói, chỉ ngón tay về phía Nam là ý tưởng của các vị vua Nhà Trần. “ Hành phương Nam” là do các vị vua Nhà Trần nhen nhóm lên. Bắt đầu từ việc trong dân gian có câu:
Tiếc thay cây quế giữa rừng
Để cho thằng Mán, thằng Mường nó leo

Đó là, nàng khi công chúa Huyền Trân vừa đi vừa khóc, đứt ruột, nát gan, cắn răng chia tay với người tình Khắc Chung, xếp một vải lụa hồng vào hành trang, từ biệt mọi người để đem thân đổi lấy hai châu Ô và Lý. Có thể xem đây là thời điểm xuất phát của quá trình mở cõi đất phương Nam? Vào Nam, cùng đi theo bước chân hồng nhan yêu đuối ấy là những con người của xứ ngũ Quãng, họ không mang xách được những thứ gì hữu hình thì mang theo cả một sự hoài niệm về cố hương: Một nếp nhà vườn, một vài tập quán quê nhà. Liêu xiêu vài câu hát ru con là hành trang chính để lần dò về phía Nam kiếm sống.
Dựng nghiệp, tùy vào mỗi nơi, mỗi chỗ, đâu đâu cũng có thể bắt gặp những bản sao mờ nhạt của một miền quê nghèo khổ đóng dấu chất Việt trên vùng đất mới. Khi ẩn, khi hiện, lúc đậm, lúc nhạt, những nếp nhà mà từ trong quá khứ, qua năm tháng, tổ tiên, ông bà, làng xóm của họ đã tạo nên. Trên vùng đất mới, gặp những cư dân bản địa là người Khơmer hiền hòa chân chất, gặp người Minh Hương chạy tránh sự săn đuổi của triều đình nhà Thanh, phải lo chạy kiếm cái có để mà ăn, mà ở…. Ba, bốn cái sự “ chạy” ấy gặp nhau, hòa vào nhau, tạo nên một bản sắc văn hóa đặc thù: Văn hóa Nam bộ .Người Nam bộ, Lo chạy suốt, lấy đâu ra dịp để mà lý lẻ, lập luận. Người Nam bộ không quen nói nhiều. “Làm”, “ mần” cái đã rồi hãy nói. Chính cái “ mần”, cái “ làm” đó đã tạo nên chất keo kết dính, một sức mạnh thần kỳ lật tung những trở ngại phía trước thay cho vũ khí là lưỡi gưom bén đất Thăng Long. Cần gì gươm bén để đánh dẹp! Có khi, gươm bén không làm được việc, khi mà hoàn cảnh mới không có chỗ cho nó phát huy tác dụng. Đất rộng, người thưa, có ai chống lại đâu mà cần gươm bén? Lớn lên bằng việc” làm” và “ mần”, đi cùng với cơ cực là người bạn đồng hành, xung quanh là “đồng không mông quạnh “ Mở mắt ra là thấy khổ cực,thử hỏi làm sao mà họ nhìn đời bằng những gam màu tương sáng được? Âm hưởng của bài ca vọng cổ buồn phần nào nói lên điều đó. Những bài “Nam ai, Bắc oán , lý quạ kêu, lý con sáo, … là tiếng lòng của những con người ở đây đó thôi. …
Nói gì thì nói, các vua nhà Trần mới chính là tác giả của kế hoạch Nam tiến. Lấy một người thân cành vàng lá ngọc là công chúa Huyền Trân để đổi lấy hai châu Ô và Lý, bước mở màn cho cuộc hành trình mở cõi. Sự thật lịch sử là như vậy. Điều không thể chối bỏ hay phủ nhận là triều đại nhà Trần, ngoài công trận lớn trong cuộc chiến 3 lần chống quân Nguyên xâm lược, còn có một công trạng lớn nữa trong việc dựng nước, mở mang bờ cõi. Công nầy lớn cũng không kém gì công giữ nước ?
Hỏng biết có phải không? Hay tui có vợ họ Trần, nịnh đầm rồi tổng hợp lung tung, không khéo mích lòng lớn đây?

Thứ Bảy, 6 tháng 3, 2010

CHẢY ĐI SÔNG ƠI


Nắng nào không gay ánh mắt?
Mưa nào không ướt lòng thơ?

Thời tiết đỏng đảnh, mấy hôm nay, nóng như thiêu- đốt. Nhớ cây cầu chuồi xuống con rạch phía sau nhà, Nhớ cây dừa ngã ra sông mà lúc nhỏ cả bọn con nít lần ra để nhảy ùm xuống con sông vào những tháng oi nồng như thế nầy. Con sông Tiền đoạn giữa. Con sông đã gắn liền với những tháng ngày mà mình lớn lúc nào không nhớ được? Mỗi lần đi ngang qua cầu Rạch Miểu, bài hát “ Trở về dòng sông tuổi thơ của Xuân Hồng luôn hiện về. Nhớ những đọan … ôi…những năm tuổi thơ, đã đi về đâu, để mình tôi nhớ nhung bây giờ…
Thời gian hơn ba mươi năm. Thời gian ba mươi năm, bà mẹ tóc bạc phai màu. Thời gian ba mươi năm hằn lên muôn vết khổ đau…Liều thuốc thời gian chỉ có tác dụng giảm đau, chớ không xóa đi những vết sẹo trong quá khứ . Tóc bạc . Sự đổi màu trên mái tóc, không làm phai nhạt nỗi lòng khi nhớ về chốn cũ.
Vết sẹo thời gian
Lần theo năm tháng
Vết sẹo của những vui, buồn trong hành trình hướng đích. Nó như một chất gây nghiện. Trong một hoàn cảnh, trong một giây phút nào đó, nó đưa ta về với bến bờ của sự thanh thoát, nó xô đi những vụt vặt đời thường… Và lúc ây, cảm giác trôi, trôi như con nước hiền hòa của dòng sông phía hạ lưu . Bềnh bồng, lặng lẻ. Chầm chậm xuôi về hướng mặt trời. Con sông quê tôi hiền lắm. Mỗi năm, sông giả bộ giận “lẩy” leo lên bờ vào tận mé hiên nhà. Như vậy là giận lắm rồi đó!
Nhớ con sông quá! Thời tiết nầy, thèm tắm sông quá !

Thứ Năm, 4 tháng 3, 2010

PHÍA SAU HÀNG CAU ẤY LÀ DẤU CHÂN LẶNG THẦM ...


Có người khen cái cổng nhà mình, khen cọng cỏ, cây rau trong vườn mình… Đúng quá thôi! Của mình mà! Dù mộc mạc đơn sơ, nhưng là của mình thì bao giờ cũng đẹp
Nhà tôi ở đó! Ngõ nhỏ, Phố nhỏ, một chút ‘’nhà quê’’ lạc lỏng giữa lòng Thành phố

Thứ Hai, 1 tháng 3, 2010

NÀNG THƠ BỊ HIẾP


Thế là nàng thơ Việt Nam thông qua chứng minh thư với cái tên “ Ngày Thơ Việt Nam” được 8 tuổi. Đối với xứ dừa, kể từ ngày đầu tiên tổ chức hoành tráng trước tiền sảnh lăng cụ Nguyễn Đình Chiểu tại Ba Tri, đây là lần thứ 8, nàng thơ ra mắt trước công chúng.Ngày Hội đêm rằm tháng Giêng, thường có đủ các thành phần, từ lều, chòi, nhà, kể cả biệt thự thơ vì tâm huyết mà đến để góp chung cho Ngày Thơ Việt Nam tại tỉnh lẻ đừng lẻ loi. Năm nay cũng vậy, cảm giác riêng, buồn quá, người đi dự vắng hơn năm trước dù nội dung của Ngày thơ có chuẩn bị chu đáo và sâu lắng hơn. Ban tổ chức có lòng nhưng không có sức, quang cảnh của đêm thơ dưới đất hòan toàn đối lập với ánh trăng tròn in trên nền trời cao trong vắt.
Toàn cảnh của lễ hội sao nhếch nhác quá? Người hiếu kỳ đến để xem có lẻ nhiều hơn những tao nhân mặc khách; đủ các thành phần từ người lớn đến em bé, từ quần đùi, áo mayô đến đồ ngủ lửng lửng… thiệt chướng mắt không chịu nổi…
-Thời buổi nầy, còn đến với sân thơ là quý rồi! Một anh bạn thốt lên để xoa dịu….
Một sân chơi mang tính văn hóa, nên tổ chức cho có văn hóa tí. Cái nầy có khó đâu? Làm gì mà giống một buổi chiếu phim lưu động của cái thời bao cấp năm nào quá! Mà có khi còn tệ hơn nữa là phải. Thời ấy, nhu cầu xem phim rất lớn ( Do không có phim), người đến xem trật tự ngồi ngay hàng thẳng lối, mọi người đều im lặng ngước lên màn hình … dễ chịu thiệt …
Thơ là tiếng lòng lắng đọng trong tình và ngân vang trong nhạc. Thơ có đòi hỏi một sự phô diễn không?? Có nhất thiết phải cờ phướng rợp trời? Đòi hỏi phải có rao, có mời không?... Nàng thơ ơi hãy thông cảm và chia xẽ. Nếu có bị oan khuất thì ráng cắn răng mà chịu … Phận yếu mềm bị hiếp là thường tình. Nỗi khỗ nầy biết dựa vào ai. Ôi thương quá Nàng thơ trong đêm 28/02/2010 bên cạnh những hậu duệ của cây Bạch mai già duy nhất còn sót lại trên đất nước nầy…