Thứ Ba, 29 tháng 9, 2009

TIẾNG ĐÊM


Đêm nằm nghe tiếng con đò lẻ bạn
Vẫn đi về không ngủ lẫn trong sương
Ở nơi ấy, tiếng lòng thương nhớ lắm
Một miền quê, tôi vẫn muốn đi về

Tôi mang theo những âm thanh quen thuộc đi trong cõi đời nầy mà mỗi khi nghe lại, lòng trĩu nặng, cái cảm giác bâng khuâng, thương nhớ đến nao lòng… Lúc ấy, những ngày tháng đã đi qua trong quá khứ bổng hiện về trong sự hoài tiếc không nguôi …
Ngày ấy, vào những năm 67- 68, nhà tôi ở gần đường cái, đọan đường từ Bình Đức về Chợ Vòng Nhỏ- Mỹ Tho. Cứ vào khoảng 2 – 3 giờ sáng, tôi lại nghe tiếng xe Lam quen thuộc. Khoảng 10 phút có một chuyến. Đây là những chuyến xe chở hàng hóa của người ngoại thành vào Chợ Mỹ Tho. . Tôi không để tâm trên những chuyến xe đó chỡ ai và chỡ những thứ gì, chỉ nhận ra những âm thanh nặng nề gầm rú của những chiếc xe cũ kỹ gồng mình mang theo bao thứ trên đời để cho kịp buổi chợ sáng mai. Thứ âm thanh ngày xưa không có gì đáng nhớ, chỉ ngấm dần trong giấc ngủ chập chờn của cậu con trai mới lớn. Bây giờ, đâu còn xe Lam! Bây giờ đâu còn thứ âm thanh đã ở một góc nhỏ nào đó trong tâm hồn tôi, nuôi tôi, giục tôi và theo tôi lớn lên qua mỗi chặng đường. Bổng dưng, thèm được nghe tiếng xe Lam chở hàng rên xiết nặng nề trong đêm vắng quá …


Không biết tự bao giờ, tiếng ghe máy đi trong đêm đã ăn sâu vào tâm thức của tôi? Cũng ngày ấy… những tháng ngày của thập niên 60 thế kỷ trước, những ngày làm anh nông dân bất đắc dĩ sau 75, có những lúc ngồi một mình trong đêm vắng chờ cất Vó, nhiều đêm, rất nhiều đêm, tôi đã đi về cùng những chiếc ghe thương hồ bằng việc theo dõi âm thanh xa gần của nó. Trong đêm, mọi vật đều im lìm, chỉ có tiếng gió lật dậy những tàu lá dừa đang ngủ và những âm thanh xa gần từ những chuyến đi về của ghe máy trên sông . Tiếng bình- bịch xa gần, những âm thanh không hiễu tự bao giờ đã đi vào lòng, đã ăn vào gốc rễ trong tận trái tim tôi. Bây giờ sống ở đô thành, thỉnh thoảng, trong những đêm trời lặng gió… nghe xa xa tiếng được tiếng mất, âm thanh của những con đò lẻ bạn đi về trên sông… Sao mà nhớ da diết quá; nhớ ngày xưa, nhớ con sông, nhớ cái bến nước, nhớ những cây bần làm cột mốc để tôi đo thời gian, tính khoảng cách sau mổi chuyến đi về. Nhớ những tháng ngày gần như đầu óc không cần lo toan nghĩ ngợi gì cả. Ngày xưa bình dị và trong trẻo quá ! Lòng chợt hỏi:
- Không biềt sau nầy, mấy em nhỏ, thế hệ của con tôi có còn nặng lòng với sông nước không nhỉ? Có còn thèm được ăn trái bần chua không thể tưởng nhưng vẫn ăn được một cách ngon lành như tuổi thơ tôi ngày ấy chăng? Có cảm nhận hết hiện tượng những con đom đóm không chịu ở riêng lẻ mà chỉ gom lại trên một cây bần để tạo nên những đóm sáng kỳ diệu làm cho con người phải miên man suy nghĩ và thốt lên lạ thiệt?


- Bìm bịp kêu nước lớn …. Tiếng bìm bịp kêu sao mà buồn quá! Theo con nước lớn- ròng tiếng bìm bịp cũng đã đi vào lòng tôi như một chất đinh dưỡng cần thiết. Ai đã từng có những buổi chiều tắt nắng trên sông khi cuộc hành trình chưa tới bến, nghe tiếng bìm bịp kêu như thúc giục hãy về nhanh để được ngồi bên bữa cơm đạm bạc mới thấy hết nỗi trống vắng và cảm giác nhỏ nhoi, cô đơn đến chừng nào ? Bìm bịp kêu buồn lắm, nhưng nó vẫn vang lên trong vòng đời quanh quẩn nầy. Hãy chú ý, những âm thanh sau cùng của tiếng bìm bịp, nó nhặt dần, nó hối thúc, nó nhỏ dần, nhỏ dần và tan ra, tan ra trong cõi vô thường. Tiếng chuông chùa vẫn vậy, đằng sau âm thanh nghe được đó vẫn là âm thanh, của sự lan tõa và tan biến, âm thanh của chiêm nghiệm . Có phải không, đó là âm thanh của sự tỉnh/thức ? Lâu lâu, tôi vẫn muốn được nghe tiếng bịp bịp kêu nước lớn. Bìm bịp kêu buồn quá nhưng vẫn muốn nghe. Lại lo sợ, lo giống chim nầy sẽ bị tuyệt chủng vì sự săn bắt của con người? Lại buồn tiếp …

Sông vẫn trôi, trôi
Dòng đời cũng trôi
Lòng người, ở lại
Sông nước, bến đợi
Còn ta là người lỗi hẹn chuyến đi về …!

Thứ Tư, 23 tháng 9, 2009

Người xưa nghĩ

Tương cố bất tương kiến
Thanh thanh mạch thượng tang
Mạch thượng tang
Mạch thượng tang
ĐTC khi viết những câu trên có ngờ rằng ĐTĐ đã gom hết những nỗi lòng của chinh phụ trên thế gian nầy để trãi dài theo từng bước Anh đi không nhỉ??

Thứ Ba, 8 tháng 9, 2009

THƯ GIẢN

Nói chuyện buồn hoài đâm ra nặng nề và chắc không khéo bị “ phạm thuốc” chết mất! Có một bài thơ được lưu truyền trong giới học trò (Có lúc mình cũng là học trò mà!), không biết tác giả là ai? Quynh nào biết TG xin bổ khuyết giùm cho đệ.
- Đây, trong khung cảnh của một buổi chiều tắt nắng, bên bờ hồ Trúc Giang( Hồ nào cũng được), có một cặp tình nhân trẻ đang yêu… Ngồi hoài, thời gian chết nhiều quá, cả hai không biết nói với nhau điều gì .Sự lặng im đã đến mức không còn thi vị nữa … Đột nhiên cô gái chủ động phá tan bầu không khí nặng nề ấy : (Phàm, xưa nay phái nữ thường tấn công trước mà ??)
Ngây thơ em hỏi anh
Mặt hồ sao có sóng?

Anh hửng hờ đáp lại
Tại gió cứ hôn hồ

Em ứ - ừ nủng nịu
Không phải thế đâu cơ !
Sao chúng mình vẫn vậy
Mà có thấy sóng đâu …


Thứ Hai, 7 tháng 9, 2009

NGHỀ PHỤC HỒI TIM

Ai nói không nhớ, chỉ nhớ :” Người ta có thể ăn nửa trái tim để sống, nhưng không thể sống bằng nửa trái tim.”. Hiện nay, bệnh tim hay “có vấn đề” về tim là một vấn nạn của con người trong xã hội hiện đại. Theo một con số thống kê( không có đối chứng) 4/3 con người trên thế giới đang có vấn đề về tim. Cũng theo khuyến cáo của ngành Y thì bệnh tim không có thuốc chữa, người ta có thể chặn đứng sự phát triển theo chiều hướng xấu của bệnh về tim chứ không trị được bệnh tim…
Theo cách gọi của Y lý phương Đông thi ngũ tạng có : Tâm, cang, tỳ, phế thận )Tim là tâm, mà tâm theo nghĩa rộng ra hơn nó là vô số chuyện, nghĩa đen lẫn nghĩa bóng
ND nói “ Thiện căn bởi tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài

Cứ theo đà nầy thì “ ai có vấn đề về tim tất phải đến những dịch vụ chuyên lo về tim. Trị bệnh tim theo góc độ sinh học thì không có gì để bàn, cứ “còn nước còn tát.( Hết nước vẫn tát luôn ) Có điều, đi tìm nửa trái tim bị lạc để hoàn thiện nó thì hơi bị khó. Nên chăng, trong những ngành phục vụ con người trong xã hội tương lai nên có thêm nghề “ Bù đắp nửa trái tim bị đi lạc “ ?? Gọi theo cách thông thường là PHỤC HỒI TIM ( Giống như phục hồi bình xăng con xe gắn máy vậy.) Đây là một chuyên ngành mới ( Có thể chỉ do ước muốn của một ít người …) Lạ thiệt! có người vẫn sống bằng nửa trái tim mà vẫn ung dung, họ bị bệnh mà không biết, cũng có khi biết mà cố tình không biết: Loại người cho vay nặng lãi, loại lừa thầy phản bạn, loại “ sống chết mặc bây….”, loại ăn bám nấp bóng dưới nhiều võ bọc… Xã hội văn minh cần phải đưa đối tượng nầy đi chữa bệnh, bù nửa trái tim đang thiếu đó vào đúng chỗ của nó để mỗi khi ra đường đều gặp những con người khỏe mạnh…Mọi người đều tựa vào nhau để hưởng thụ những giá trị của cuộc sống mà từ cổ chí kim đã nâng niu để lại cho đời …
Nếu có thêm dịch vụ nầy thì cuộc đời sẽ đẹp biết chừng nào. Ước mong. Ước mong ( cũng có thể chỉ là ước mong )

CÂY PHONG LAN BỆNH

Có một cây phong lan từng một thời đem về cho chủ nhiều huy chương vàng, tên nó là Rober Delight 31, bông màu đỏ sậm, có chút xíu hơi ngã sang màu tím, đẹp cực kỳ, rất khôn, trổ bông luôn rơi và những thời điểm có những cuộc so tài lớn.Một mình nó chiếm 3 huy chương vàng trong 3 năm liền. Nhiều người tại địa phương biết nó, biết cả người trồng nó. Nó mang về cho chủ tiếng tăm, được thưởng nhiều tiền, được đặt chỗ sang trọng và nhận được sự chăm chút ưu tiên hơn các loại ưu tiên...
Rồi thời gian đi qua, cây phong lan không đứng nỗi trước những cơn giận dữ của quy luật đào thải: Nó bị bệnh. Chữa trị nhiều cách, bằng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật, nhiều cách trị dân gian nhưng cây phong lan vẫn không hết. Sợ nó lây sang những cây khác, thôi đành cách ly đưa sang một chỗ an toàn hơn để giữ gìn cả giàn phong lan còn lại... Thoát ra khỏi giàn, một mình trong góc khuất, cây phong lan dần chết, nó chết dần trong sự bỏ quên của chủ, chết trong khô dần, khô dần bởi thiếu nước, thiếu phân, thiếu cả sự thăm viếng mỗi ngày như cái thời hoàng kim của nó đã từng.... Cây Phong lan quý chết thật rồi ....

Thứ Tư, 2 tháng 9, 2009

GẶP LẠI ĐIỂM MƯỜI




Phiên chợ tết chiều
Trên gói giấy hàng khô
Em gặp lại điểm mình cho
Vở cũ
Màu mực đỏ
Phai buồn theo năm tháng
Rưng lòng nỗi nhớ trường xưa

Luống tưởng sao lòng gặp phải song thưa
Cơn bão giấu bên ngòai
Dăm gạo trắng
Áo cơm thổi lật đùa: trang giáo án
Buổi điểm danh sáng mai vắng mặt cô rồi …

Giông bão đời
Đâu sá cánh chim trôi
Lót lại ổ cho tuổi vàng
Đã muộn!
Trên bục giảng em là người cho điểm
Lao vào đời
Gặp điểm kém đời cho

Xao xác chợ chiều
Tựa thước đập bàn khô
Dãy sạp bán kê đều như lớp học
Gặp lại điểm mười, em bật khóc
Tiếc ngày lót ổ
Tuổi vàng xưa…


LÊ NGUYÊN NGỮ