Thứ Ba, 29 tháng 9, 2009

TIẾNG ĐÊM


Đêm nằm nghe tiếng con đò lẻ bạn
Vẫn đi về không ngủ lẫn trong sương
Ở nơi ấy, tiếng lòng thương nhớ lắm
Một miền quê, tôi vẫn muốn đi về

Tôi mang theo những âm thanh quen thuộc đi trong cõi đời nầy mà mỗi khi nghe lại, lòng trĩu nặng, cái cảm giác bâng khuâng, thương nhớ đến nao lòng… Lúc ấy, những ngày tháng đã đi qua trong quá khứ bổng hiện về trong sự hoài tiếc không nguôi …
Ngày ấy, vào những năm 67- 68, nhà tôi ở gần đường cái, đọan đường từ Bình Đức về Chợ Vòng Nhỏ- Mỹ Tho. Cứ vào khoảng 2 – 3 giờ sáng, tôi lại nghe tiếng xe Lam quen thuộc. Khoảng 10 phút có một chuyến. Đây là những chuyến xe chở hàng hóa của người ngoại thành vào Chợ Mỹ Tho. . Tôi không để tâm trên những chuyến xe đó chỡ ai và chỡ những thứ gì, chỉ nhận ra những âm thanh nặng nề gầm rú của những chiếc xe cũ kỹ gồng mình mang theo bao thứ trên đời để cho kịp buổi chợ sáng mai. Thứ âm thanh ngày xưa không có gì đáng nhớ, chỉ ngấm dần trong giấc ngủ chập chờn của cậu con trai mới lớn. Bây giờ, đâu còn xe Lam! Bây giờ đâu còn thứ âm thanh đã ở một góc nhỏ nào đó trong tâm hồn tôi, nuôi tôi, giục tôi và theo tôi lớn lên qua mỗi chặng đường. Bổng dưng, thèm được nghe tiếng xe Lam chở hàng rên xiết nặng nề trong đêm vắng quá …


Không biết tự bao giờ, tiếng ghe máy đi trong đêm đã ăn sâu vào tâm thức của tôi? Cũng ngày ấy… những tháng ngày của thập niên 60 thế kỷ trước, những ngày làm anh nông dân bất đắc dĩ sau 75, có những lúc ngồi một mình trong đêm vắng chờ cất Vó, nhiều đêm, rất nhiều đêm, tôi đã đi về cùng những chiếc ghe thương hồ bằng việc theo dõi âm thanh xa gần của nó. Trong đêm, mọi vật đều im lìm, chỉ có tiếng gió lật dậy những tàu lá dừa đang ngủ và những âm thanh xa gần từ những chuyến đi về của ghe máy trên sông . Tiếng bình- bịch xa gần, những âm thanh không hiễu tự bao giờ đã đi vào lòng, đã ăn vào gốc rễ trong tận trái tim tôi. Bây giờ sống ở đô thành, thỉnh thoảng, trong những đêm trời lặng gió… nghe xa xa tiếng được tiếng mất, âm thanh của những con đò lẻ bạn đi về trên sông… Sao mà nhớ da diết quá; nhớ ngày xưa, nhớ con sông, nhớ cái bến nước, nhớ những cây bần làm cột mốc để tôi đo thời gian, tính khoảng cách sau mổi chuyến đi về. Nhớ những tháng ngày gần như đầu óc không cần lo toan nghĩ ngợi gì cả. Ngày xưa bình dị và trong trẻo quá ! Lòng chợt hỏi:
- Không biềt sau nầy, mấy em nhỏ, thế hệ của con tôi có còn nặng lòng với sông nước không nhỉ? Có còn thèm được ăn trái bần chua không thể tưởng nhưng vẫn ăn được một cách ngon lành như tuổi thơ tôi ngày ấy chăng? Có cảm nhận hết hiện tượng những con đom đóm không chịu ở riêng lẻ mà chỉ gom lại trên một cây bần để tạo nên những đóm sáng kỳ diệu làm cho con người phải miên man suy nghĩ và thốt lên lạ thiệt?


- Bìm bịp kêu nước lớn …. Tiếng bìm bịp kêu sao mà buồn quá! Theo con nước lớn- ròng tiếng bìm bịp cũng đã đi vào lòng tôi như một chất đinh dưỡng cần thiết. Ai đã từng có những buổi chiều tắt nắng trên sông khi cuộc hành trình chưa tới bến, nghe tiếng bìm bịp kêu như thúc giục hãy về nhanh để được ngồi bên bữa cơm đạm bạc mới thấy hết nỗi trống vắng và cảm giác nhỏ nhoi, cô đơn đến chừng nào ? Bìm bịp kêu buồn lắm, nhưng nó vẫn vang lên trong vòng đời quanh quẩn nầy. Hãy chú ý, những âm thanh sau cùng của tiếng bìm bịp, nó nhặt dần, nó hối thúc, nó nhỏ dần, nhỏ dần và tan ra, tan ra trong cõi vô thường. Tiếng chuông chùa vẫn vậy, đằng sau âm thanh nghe được đó vẫn là âm thanh, của sự lan tõa và tan biến, âm thanh của chiêm nghiệm . Có phải không, đó là âm thanh của sự tỉnh/thức ? Lâu lâu, tôi vẫn muốn được nghe tiếng bịp bịp kêu nước lớn. Bìm bịp kêu buồn quá nhưng vẫn muốn nghe. Lại lo sợ, lo giống chim nầy sẽ bị tuyệt chủng vì sự săn bắt của con người? Lại buồn tiếp …

Sông vẫn trôi, trôi
Dòng đời cũng trôi
Lòng người, ở lại
Sông nước, bến đợi
Còn ta là người lỗi hẹn chuyến đi về …!

Không có nhận xét nào: