Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2011

Đôi mắt ấy…






Tôi tìm lại được đôi mắt của hơn 30 năm về trước… Lẫn một chút gì trong đó sự trách móc, vấn vương của ngày nào…
Tha thứ hết cho nhau, hình như người ta không còn câu nệ chuyện giận hờn khi phải đứng trước một cuộc chia tay không có ngày gặp lại? – Nghe tôi bênh hiểm nghèo, em đến thăm…










Em lấy chồng lâu, ta vắng nhau
Một hôm chợt gặp dưới hàng cau
Em đi bước nhẹ hơn cau rụng
Sợ chạm lòng nhau những nỗi đau







Gần 1 giờ ngồi đối diện nhau, tôi chỉ nghe được câu” Anh khỏe không” và ánh mắt xa xăm của ngày nào gợi lại trong tôi cả một thời …
Được bạn đến thăm, tưởng phần nào nguôi ngoai cái đau ngực quái ác từ khối u của phổi, nào ngờ bi giờ lại đau cả phần trái tim bên trái…
Phải chi em đừng đến thăm?
Phải chi em ở bên ấy để tôi yên lòng hoài tiếc?
Cảm ơn em đã cho tôi lưu giữ bức chân dung mới nhất sau 33 năm xa cách, dù biết rằng, trong tận cùng của ký ức, tôi không bao giờ quên em
….

Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

Thứ Hai, 28 tháng 11, 2011

Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2011

CHỜ












Ngày 20/11 năm nay đã đi qua… Vẫn như mọi năm, vẫn những lời chúc, những gương mặt, những nụ cười … Chỉ khác là “ có một người lặng lẻ buồn thiu đứng nhìn”…
Ngày 01/10/2011, nhận được Bản án tử hình từ kết quả sinh thiết của bệnh viện PNT…? - ? Quỹ thời gian của cuộc đời ( Theo lời BS ) còn lại là 3 tháng…Ngắn hay dài?? - Không đến nỗi ngắn lắm để mình có thể làm những việc CẦN LÀM. Vậy mà gần 02 tháng đi qua vẫn chưa làm được gì… CHỜ… CHỜ mình đang chờ… Chờ điều gì cũng không biết? Chờ ngày thi hành án? Không! Chờ một sự mầu nhiệm nào đó sẽ đến? cũng không! CHỜ….
Ai đã từng chờ từng đợi mới nhận ra, mới chia xẻ và đồng hành với tâm trạng



Cái khoảnh khắc tìm chờ
Sự khoắc khoải đợi mong



Như dòng sông
Lần qua từng bến đổ
Như nổi khổ
Năm tháng cứ vơi đầy
Như hàng cây
Phơi mình trong nắng gió
Như nổi khó
Của năm tháng xa nhà
Ta về nhủ khúc tình ca
Sao nghe trong mắt xót xa nổi niềm
Đi vào cõi mộng trong đêm
Mênh mông vọng tưởng- ru êm giấc nồng

Thứ Tư, 6 tháng 7, 2011

Viết vội



Viết vội vài dòng để báo với anh em là TP nầy vẫn còn… Lâu quá! Cũng có nhiều lý do, trong đó ... mà thôi, không viết blog được thì có cả khối lý do để biện bạch...
Tháng bảy rồi, tháng của giữa năm… cũng lại gần hết một năm nữa rồi… Chưa có cái gì mới. Thôi ghi lại cảm giác cũ vậy:

Đời cần một cơn gió
Để cuốn mọi thứ đi.
Đời ngoảnh mặt quay đi,
Nhân gian quỳ sụp xuống
Đời có khi luống cuống
Xao xác mắt trẻ thơ
Đời tạo cảnh bơ vơ
Cho thi nhân được sống
Đời là một khỏang trống
Để hoài niệm vô thường
Trong tất cả con đường
Hỏi lối nào về tới ???

Thứ Sáu, 25 tháng 2, 2011

TẢN MẠN


Nửa đêm thức dậy, xem đồng hồ thấy sớm hơn mọi khi…Giật mình, nhớ câu của ai nói không biết” Giấc Nam Kha khéo bất bình/ Bừng con mắt dậy thấy mình tay không” Đúng là tâm trạng! Từ sau khi nghỉ Tết đến nay, mãi quanh quẩn với những chuyện “ không đâu”… lơ lơ,đảng đảng như mất hồn.. Sáng hôm qua, mãi mê phân biệt khái niệm “ Chức năng” với “Nhiệm vụ” cho lớp quản lý, quên cả giờ nghỉ. Tan học, cả trường chỉ còn có mình…Có vấn đề nửa đây?- Ông nầy có bao giờ tan học trễ đâu… “ dạy hay không bằng cho nghỉ sớm” không còn tác dụng nữa rồi…
Lý do trễ, tại vì ổng tức:- Có nhiều vấn đề khi đưa ra bàn cải, cải nhau chí chóe, đỏ mặt tía tay mà khái niệm, những việc ABC ban đầu thì chưa rõ…. Vậy đó! Chức năng và nhiệm vụ giống nhau, khác nhau chỗ nào? Cái thì ở bên trong, quy định để thể hiện ra bên ngoài…Diễn giải như vậy có khi còn rối tung, nhưng đưa ra thí dụ như: Chức năng của cái máy khi vận hành là sinh ra cơ năng. Còn cái máy đó chạy tàu, phát điện , xay xát thì đó là nhiệm vụ…Con người cũng vậy, chức năng của nó là họat động xã hội còn nhiệm vụ thì bao la; có người làm thầy thuốc có người làm thợ xây , có người chuyên làm chuyện lường gạt (Bán gạo) chẳng hạn…
Ổng tức vì chiều qua, ngồi phản biện cho một đề tài nói về xây dựng đời sống văn hóa… Chưa có lúc nào khái niệm văn hóa bị lạm dụng và sử dụng một cách vô tội vạ như hiện nay. Có hơn 3000 cách định nghĩa về văn hóa, làm sao mà đọc cho hết…
Văn hóa là những cái còn lại sau những cái gì đã mất đi qua thời gian? Được đó chứ! “ Cái “ là giá trị, bao gồm cả vật chất, tinh thần, vô hình, và hữu hình. Nguồn gốc của từ văn hóa trong tiếng La tinh là “ trồng trọt” Nói theo VĐB, chữ Văn trong tiếng Hán có chữ Nhân làm thành phần…
Vậy đó! Trong các bản lý lịch tự khai có cột “ Trình độ văn hóa” xưa nay, mọi người ghi vào đó lớp 3, lớp 4 lớp 12, thậm chí có người ghi vào học vị cao nhất là tiến sĩ để khai báo về trình độ học vấn của mình. Thế nhưng, trình độ văn hóa với cách ứng xử có văn hóa là hai chuyện hòan tòan khác nhau. Có trình độ văn hóa, chưa hẳn là có hành vi văn hóa; Một vị Tiến sĩ không biết làm bài toán chia ( lấy cái không của mình đem về cho riêng mình) để được xướng danh trước công luận so với một bà già chỉ học được chữ i- tờ, do hòan cảnh chiến tranh để lại, bây giờ không còn người thân thích, lọm khọm đi gặp chính quyền xin bán ngôi nhà và miếng đất được cấp để cho lại những người khốn khổ hơn, Cụ chỉ xin được vào ở Trung tâm bảo trợ nuôi dưỡng những người già neo đơn, không đòi hỏi thứ gì cả…
Vậy dó! Văn hóa là cái rất gần, nhưng cũng có thể là rất xa…
Xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn hóa, làng xã văn hóa… Từ nghĩa gốc của nó là trồng trọt. Trồng trọt mà không chăm bón thì việc canh tác nầy sẽ ra sao?

Thứ Bảy, 19 tháng 2, 2011

Mời vào nhà



Thời khắc cuối cùng của năm Canh Dần






Vẫn thích hoa Đào xứ Bắc vì nó không đụng hàng

Cuối cùng thì cái nhà cũng đã rồi



Cây Đào phương Bắc lạc vào nhà tôi

Chỗ nầy dành để uống trà



Sau 04 tháng thi công. Cuối cùng thì cái nhà cũng xong

Thứ Năm, 27 tháng 1, 2011

NHỮNG VIỆC SẼ LÀM- PHẢI LÀM VÀ NÊN LÀM


Con chim cút cu trong chiếc đồng hồ cổ vẫn kêu cần mẩn suốt ngày. Ngọn nến khi cháy đã làm vơi đi hình thể của mình, như quỹ thời gian của một đời người càng ngày càng ngắn lại…! Vậy đó! Một năm nữa sắp đi qua… Một năm, người ta làm được những gì? Nhiều lắm … Việc nhà, việc đời, việc cơ quan…Nghiệm lại mới thấy trong cái gọi là “lao động xã hội” mà con người thực hiện suốt năm, “việc sẽ làm” và “việc phải làm” chiếm một phần rất lớn. “Việc nên làm” cũng là việc, nhưng dù có quan tâm đi chăng nữa, nó vẫn được tiến hành rất ít. Nên làm thì làm cũng được, chưa làm cũng được. Cái nầy còn phụ thuộc vào thiện tâm, vào các điều kiện khác… Chưa làm được cũng không ai “ cà răng, móc mắt” mà phải sợ…
Rất tiếc, cuộc sống nầy, việc “ nên làm” thì khá nhiều, nhưng cơ chế thực hiện thì còn bỏ trống…

Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2011

NHỮNG NGÀY CUỐI NĂM CỦA NĂM TRƯỚC


Còn không bao nhiêu ngày nữa là TẾT LẠI ĐẾN. Một tiếng” TẾT “khô khan mang vần trắc lạnh lùng và vô cảm. Tại sao người xưa không dùng một khái niệm nào khác với sắc thái biểu cảm nồng nàn hơn để nói về ngày TẾT?
TẾT là cơ hội vàng của những con người cơ hội, đây là dịp để người ta mua bán: mua và bán cả những giá trị cao nhất mà người xưa đã góp công gìn giữ: nhân phẩm, lòng tự trọng, sự thay trắng đổi đen, địa vị xã hội, chỗ đứng, chỗ ngồi….Có thể nói đây là dịp để cho những con người có chút mai mắn làm ‘’luật’’ với chính nơi ban cho sự mai mắn đó….Những khuôn mặt tích đầy mỡ với nụ cười đắc chí và dáng vẻ tất bật, xum xuê… mang xách đi về …
TẾT không phải là niềm mong đợi của những con người bất hạnh và nghèo khó. TẾT đến, bao nỗi lo toan, bao nhiêu việc phải làm mà khả năng thì có hạn. Những đêm dài thức trắng, những tiếng thở dài, bao nhiêu ánh mắt ngây dại đăm chiêu suy nghĩ để tất cả đều cùng một suy nghĩ giống nhau “ những ngày tết hãy qua mau cho rồi”… Họ không mong chờ ngày TẾT?
Hình ảnh một người mẹ trẻ, tay nắm lấy 2 đứa con nhỏ trong dáng vẻ tiều tụy, đứng thật lâu trước một quầy hàng sau khi đã làm hết các phép toán trong đầu vào một buổi chiều 30 tết. Thật đau quá khi người mẹ vụt tỉnh và hối thúc các con đi nhanh ra khỏi chợ. Những ánh mắt trẻ thơ ngoái đầu nhìn theo trong sự tiếc nuối khi chân thì vẫnkhông muốn bước theo mẹ, chúng bị lôi “xềnh xệch”…Chúng nó thơ ngây quá, tội nghiệp quá. Thật bất công khi cũng bằng với lứa tuổi ấy, có những đứa trẻ được Ba mẹ dỗ dành, nài ép, cung phụng đến mức lố bịch không chịu nổi.
Đồng hồ đo thời gian đã bắt đầu tính ngược. Một chút lắng lòng. Mong sao, tết nầy sẽ bớt đi những con người không có tết. Những tiếng võng kẻo cà kẻo kẹt sẽ không kêu mãi suốt đêm trong những căn nhà hiu quạnh, những đóm lữa đỏ rực của thuốc lá, những âm thanh biếng lười uễ oãi do trở mình thao thức bởi vì nghèo…
Cầu mong những bữa tiệc thừa mứa sẽ ít đi, rượu sẽ bớt đổ đi một cách hoang phí,... ,... Chỉ mong- chỉ mong ( Mong gì cũng không biết) Mong con người nên nhìn nhau bằng ánh mắt thân thiện hơn:
Người ta nhận nhau qua từng ánh mắt
Hờn giận nhau cũng qua từng ánh mắt
Mắt trao cho nhau niềm tin nhắn gởi,
Nối những chiếc cầu gãy nhịp yêu thương….