Thứ Tư, 10 tháng 12, 2008

Đồng hồ đo thời gian đã bắt đầu tính ngược

Còn không bao nhiêu ngày nữa là TẾT. Một tiếng tết khô khan buông vần trắc lạnh lùng và vô cảm. Tại sao người xưa dân dã không dùng từ nào khác đi với sắc thái biểu cảm nồng nàn hơn nhỉ …?
Têt là cơ hội của những con người cơ hội, là dịp để người ta mua bán, mua và bán cả những giá trị cao nhất mà tiền nhân đã góp công gìn giữ: nhân phẩm, lòng tự trọng, sự thay trắng đổi đen, địa vị xã hội, chỗ đứng, chỗ ngồi….Có thể nói đây là dịp để cho những con người có chút mai mắn làm ‘’luật’’ với chính nơi ban cho sự mai mắn đó….Những khuôn mặt tích đầy mỡ với nụ cười đắc chí và dáng vẻ tất bật, xum xuê…
Tết không phải là niềm mong đợi của những con người bất hạnh và nghèo khó. Tết đến, bao nỗi lo toan, bao nhiêu việc phải làm mà khả năng thì có hạn. Những đêm dài thức trắng, hàng loạt tiếng thở dài, bao nhiêu ánh mắt ngây dại đăm chiêu suy nghĩ để tất cả đều mong mõi cho một điều duy nhất “ những ngày tết hãy qua mau cho rồi !”…
Hình ảnh một người mẹ trẻ, tay nắm lấy 2 đứa con nhỏ trong dáng vẻ tiều tụy, đứng thật lâu trước một quầy hàng sau khi đã làm hết các phép toán trong đầu vàomột buổi chiều 30 tết. Thật đau quá khi người mẹ vụt tỉnh và hối thúc các con đi nhanh ra khỏi chợ. Những ánh mắt trẻ thơ ngoái đầu nhìn theo trong sự tiếc nuối khi chân thì vẫn bước theo mẹ, chúng bị lôi “xềnh xệch”…Chúng nó thơ ngây quá, tội nghiệp quá. Thật bất công khi cũng bằng với lứa tuổi ấy, có những đứa trẻ được Ba mẹ dỗ dành, nài ép, cung phụng đến mức lố bịch không chịu nổi.
Đồng hồ đo thời gian đã bắt đầu tính ngược. Một chút lắng lòng. Mong sao, tết nầy sẽ bớt đi những con người không có tết. Những tiếng võng kẻo cà kẻo kẹt sẽ không kêu mãi suốt đêm trong những căn nhà hiu quạnh, những đóm lữa đỏ rực của thuốc lá, những âm thanh biếng lười uễ oãi do trở mình thao thức bởi vì nghèo…
Không dám mong những bữa tiệc thừa mứa sẽ ít đi, rượu bớt đổ, người bớt ‘’long cổ hội’’ do dùng không nổi mà bị ép ( Tết mà !). Chỉ mong- chỉ mong ( Mong gì cũng không biết) con người nên nhìn nhau bằng ánh mắt thương cảm hơn.
Người ta nhận nhau qua từng ánh mắt
Hờn giận nhau cũng qua từng ánh mắt
Mắt trao cho nhau niềm tin nhắn gởi,
Nối những chiếc cầu gãy nhịp yêu thương
….
N.T.P

2 nhận xét:

Vuong Duc Binh nói...

Sao mà cay đắng vậy! Chính "đa số" những người nghèo mới cần tết chứ! Người thừa mứa thì ngày nào không phải là ngày tết. Tôi từng là đứa trẻ ngồi khóc nức nở và lặng lẻ - một thân một mình - dưới cột đèn đường Hoàng Diệu, Quận 4 Saigon một năm xưa giữa đêm trừ tịch mà tôi có "căm hờn" tết đến thế đâu. Chính khát vọng một ngày ta được về nhà trong đêm giao thừa bên gia đình đầm ấm mới là ngọn lửa đốt cháy lòng mình, giữ cho mình - cắn chặt răng đi tới đấy chứ! Có khi cuộc sống đầy đủ quá mới là một tai họa ... vì người ta không biết mình sống để làm gì nữa!

Nguyễn Tấn Phúc nói...

Yes-sờ! Chí phải chí phải sư huynh ạ. Mình có cay đắng gì đâu, chẳng qua là phản ảnh hiện trạng thông qua lăng kính chủ quan thôi. Đúng! Có khi ta phải cắn chặt môi, cố nén mà đi tới….