HIỀN TÀI LÀ NGUYÊN KHÍ CỦA QUỐC GIA
Trước khi đề cập đến nội dung, xin mạn phép đặt ra các giới hạn trước để có cách nhìn nhận và định lượng, định tính thông tin cho chính xác hơn
- Thứ nhất : Đây là một vấn đề lớn, phạm vi khái quát và tầm nhìn ở cấp vĩ mô. Trường Cao đẳng Bến Tre chỉ mới là 01/16 cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh, chưa kể hơn 50 cơ sở dạy nghề tư nhân. Nguồn nhân lực thì chúng ta có thể đào tạo, còn nguồn nhân lực chất lượng cao ( nhân tài) thì chỉ có thể gọi là bồi dưỡng( Phát hiện- bồi dưỡng). Hơn nữa, các kết luận dự báo về thực trạng xưa nay ít nơi nào chịu làm, bản thân tôi cũng chưa nắm vấn đề nầy, vì vậy, xin được phép chỉ đưa ra những khuyến nghị chớ không nâng lên tầm giải pháp
- Thứ hai : Xin được đề xuất thay thế khái niệm “xây dựng”” trong chủ đề chung của Hội thảo, vì nói đến xây dựng là đề cập đến vấn đề đầu tư, đến việc tiến hành các bước từ gốc đến ngọn. Đội ngủ trí thức của chúng ta đang có và sẽ có xuất phát từ nhiều nguồn. Hơn nữa, công việc đầu tư, kể các quy họach, quản lý, phát triển trong thời gian qua, chúng ta chưa làm được gì nhiều, nên thay khái niệm “ xây dựng bằng khái niệm “ quản lý phát triển “ theo chủ quan cá nhân thì có vẻ ổn thỏa hơn. Gọi cả tên chủ đề của Hội thảo là “ Quản lý phát triển đội ngũ trí thức Bến tre thời kỳ 2010- 2020”
- Thứ ba : Xin được phép không nêu lại những vấn đề có tính lý luận, cũng không trình bày theo các trình tự của một bản tham luận, tôi chỉ xin nêu lên một số vấn đề chính gắn với thực trạng của tỉnh nhà , qua đó , nếu được, xin mời cả khán phòng cùng tranh luận để tìm ra những giải pháp khả thi trong việc “ Quản lý phát triển đội ngũ trí thức Bến tre thời kỳ 2010- 2020”
Xin phép được đi vào các ý chính
1. DẪN LUẬN
Theo quan niệm xuyên suốt của Đảng ta, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của mọi cuộc cách mạng. Sau đổi mới, Văn kiện Hội nghị TW6/khóa VII nêu rõ’’ Con người phát triển cao về trí tuệ, cường tráng về thể chất, phong phú về tinh thần , trong sáng về đạo đức là động lực xây dựng xã hội mới, đồng thời là mục tiêu của CNXH. Vì vậy, mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phải quán triệt việc chăm sóc, bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người. Nghị quyết TW2/ khóa VIII cũng nhấn mạnh ‘’… muốn tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa thắng lợi phải phát triển mạnh giáo dục và đào tạo, phát huy nguồn lực con người, yếu tố cơ bản của phát triển nhanh và bền vững
Vấn đề phát triển nguồn nhân lực, hay chính xác hơn là đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực không còn là việc riêng của ngành giáo dục mà hiện nay đang là sự quan tâm của tòan xã hội.
1. Nguồn nhân lực ( Human resoure)
Có nhiều khái niệm về nguồn nhân lực. Nhiều quan điểm thống nhất cho rằng nguồn nhân lực là dân số trong độ tuổi lao động, có khả năng lao động. Tùy theo mỗi nước, độ tuổi lao động có những quy định khác nhau . Phổ biến là 15 cho tối thiểu và tối đa là 60, có nước 65- 75. Đặc biệt ở Úc không giới hạn tuổi tối đa
Nguồn nhân lực, đặc biệt, chất lượng của nguồn nhân lực quyết định cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi quốc gia. Chất lượng nầy phụ thuộc vào sự đầu tư cho con người . Nguồn nhân lực chỉ có giá trị là động lực, là mục tiêu của sự phát triển kinh tế - xã hội khi và chỉ khi nó được đặt trong quỹ đạo phát triển và sử dụng (Sự phát huy hiệu lực)
Nguồn nhân lực xét ở hai khía cạnh: Cá thể và tập thể
Cá thể có hai mặt: Tự nhiên và xã hội. Như vậy, cá thể chỉ trở thanh nguồn nhân lực khi nó có khả năng lao động và phát huy hiệu quả trong một tập thể. Đạt được điều nầy, cá thể đó đã đóng góp cho sự phát triển xã hội
Cả hai mặt của cá thể ( Bản năng và ý thức) đều có sự đóng góp của giáo dục
Hiện nay, để đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa, việc đầu tiên phải nghĩ đến là đội ngũ những Thầy – cô giáo. Đây chính là cơ sở , là xuất phát điểm của quá trình đào tạo – bồi dưỡng nguồn nhân lực . Để làm tốt khâu nầy, cần nắm vững các đặc trưng mới của nền kinh tế tri thức:
Đó là,
- Khoa học công nghệ ngày càng mở ra nhiều lĩnh vực nghiên cứu rộng lớn
( công nghệ Nano, công nghệ logic, công nghệ không độc hại , công nghệ chân không …) Muốn nhập công nghệ mới thì phải đào tạo con người thích ứng với từng lọai công nghệ ấy. Công nghệ mới bao giờ cũng thể hiện được nhiều điểm ưu việt hơn công nghệ trước đó, ít công đọan hơn, tiêu tốn năng lượng ít hơn, chi phí ít hơn… nhưng luôn mang lại kết quả tốt hơn. Tư tưởng công nghệ luôn là đặc điểm bao trùm đối với họat động sản xuất tác nghiệp. Ngay cả trong giáo dục cũng đã có ‘’ công nghệ giáo dục’’
- Thông tin ngày nay rất lớn, ở thời điểm nấy, ai nắm được nhiều thông tin sẽ luôn giành được ưu thế trước. Dĩ nhiên, lợi thế so sánh luôn nằm trong tay họ. Nhà trường của chúng ta cũng vậy, phương châm ‘ dạy cái mà xã hội cần chớ không dạy cái đã có ‘’cần phái được quán triệt trong tất cả các khâu của quá trình đào tạo nguồn nhân lực
- Khẳng định nhân tố con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Như vậy, giáo dục là đòn bẩy cho sự phát triển, sự gắn bó giữa giáo dục với cuộc sống và lao động xã hội là sự gắn bó sống còn, gắn bó máu thịt
Trong số các nguồn lực cần thiết cho sự thành công của công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quyết định. Tuy nhiên, vai trò quyết định của nguồn nhân lực chất lượng cao chỉ trở thành hiện thực khi người lao động được đào tạo để có và phải có năng lực - phẩm chất cần thiết đáp ứng được những yêu cầu mà quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đặt ra hiện nay, kể cả tương lai. Nghị quyết Đại hội lần thứ 10 của Đảng nhấn mạnh: Đổi mới toàn diện hệ thống giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng những đòi hỏi cấp thiết của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
2. Nguồn nhân lực chất lượng cao
Năng lực trí tuệ của con người hiện nay biểu hiện ở khả năng áp dụng những thành tựu khoa học để sáng chế ra những kỹ thuật, công nghệ tiên tiến. Đó là khả năng biến tri thức thành kỹ năng lao động nghề nghiệp, nghĩa là, kỹ năng lao động giỏi thể hiện qua trình độ tay nghề, mức độ thành thạo chuyên môn nghề nghiệp,... Quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá càng đi vào chiều sâu càng đòi hỏi trình độ chuyên môn hoá ngày càng cao của đội ngũ lao động nhằm đạt được năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh lớn hơn nhiều lần.
Trong xu thế toàn cầu hoá nền kinh tế thế giới, người lao động còn phải biết chủ động hội nhập quốc tế. Khác với toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế là hành động chủ quan, có chủ đích của con người nhằm khai thác nguồn lực bên ngoài để tăng cường sức mạnh của đất nước mình. Hội nhập quốc tế cũng có nghĩa là chấp nhận cạnh tranh với thế giới bên ngoài; hoà nhập nhưng không hoà tan, vẫn bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc mình và nhất là bảo vệ được nền độc lập dân tộc. Trong điều kiện như vậy, người lao động ngoài bản lĩnh chính trị vững vàng, ý thức dân tộc cao, còn phải có trình độ trí tuệ ngang tầm đòi hỏi của thời đại, tối thiểu cũng là của khu vực. Điều này đòi hỏi phải cơ cấu lại đội ngũ lao động theo hướng có lực lượng nòng cốt, lực lượng dẫn đầu và nhân tài. Đây là một cơ cấu sắp xếp tất yếu trong phân công lao động xã hội hiện nay :
- Rõ ràng, lực lượng nòng cốt của đội ngũ lao động là những công nhân lành nghề – những người trực tiếp sản xuất hàng hoá và cung ứng dịch vụ cho người tiêu dùng cả ở trong nước và nước ngoài. Do đó, họ phải có một trình độ trí tuệ nhất định để tiếp thu và làm chủ được công nghệ tiên tiến. Hơn thế nữa, với những tri thức khoa học và những kinh nghiệm tích luỹ được trong quá trình sản xuất trực tiếp, người công nhân không những sử dụng các công cụ lao động hiện có, mà còn có thể sáng chế ra những tư liệu lao động mới, hoàn thiện kỹ thuật và phương pháp sản xuất. Lực lượng lao động dẫn đầu là đội ngũ trí thức. Với cơ cấu đồng bộ trong các lĩnh vực khoa học – công nghệ, quản lý kinh tế – xã hội, văn hoá - văn nghệ, ... Họ phải thành thạo chuyên môn, nghề nghiệp, có năng lực tiếp thu, chọn lọc và ứng dụng có hiệu quả những thành tựu của khoa học – công nghệ hiện đại, những tinh hoa của văn hoá, văn minh thế giới, những di sản văn hoá dân tộc và văn hoá phương Đông vào thực tiễn Việt Nam. Đồng thời, họ phải có năng lực sáng tạo về lý thuyết cũng như thực hành, nhằm giải quyết những vấn đề trước mắt cũng như lâu dài của đất nước. Đội ngũ trí thức phải thực hiện có hiệu quả các chức năng: nghiên cứu, thiết kế, tham mưu, sáng tác; thực hiện, thi hành, ứng dụng, phát triển; giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện; quản lý, chỉ huy, lãnh đạo, chỉ đạo... Bộ phận nhân tài có vai trò thực sự quan trọng trong đội ngũ lao động. Bộ phận này là hạt nhân có chất lượng cao, có năng lực khai phá những con đường mới mẻ trong nghiên cứu khoa học để đạt được những thành tựu mới, phục vụ công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Số lượng của đội ngũ này không nhất thiết phải đông, nhưng thực sự là đội ngũ các nhà khoa học đầu đàn, tiêu biểu cho tinh thần trí tuệ của dân tộc.
- Một yếu tố không thể thiếu đối với nguồn nhân lực chất lượng cao là sức khoẻ. Sức khoẻ ngày nay không chỉ được hiểu là tình trạng không có bệnh tật, mà còn là sự hoàn thiện về mặt thể chất lẫn tinh thần. Mọi người lao động, dù lao động cơ bắp hay lao động trí óc đều cần có sức vóc thể chất tốt để duy trì và phát triển trí tuệ, để chuyển tải tri thức vào hoạt động thực tiễn, biến tri thức thành sức mạnh vật chất. Hơn nữa cần phải có sự dẻo dai của hoạt động thần kinh, niềm tin và ý chí, khả năng vận động của trí lực trong những điều kiện khác nhau hết sức khó khăn và khắc nghiệt.
- Nền sản xuất công nghiệp còn đòi hỏi ở người lao động hàng loạt năng lực cần thiết như: có kỷ luật tự giác, biết tiết kiệm nguyên vật liệu và thời gian, có tinh thần trách nhiệm trong việc bảo dưỡng thiết bị máy móc, phương tiện sản xuất, có tinh thần hợp tác và tác phong lao động công nghiệp, lương tâm nghề nghiệp,..., nghĩa là phải có văn hoá lao động công nghiệp. Một trong những phẩm chất quan trọng nhất của văn hoá lao động công nghiệp là tinh thần trách nhiệm cao đối với chất lượng sản phẩm. Giờ đây, nền kinh tế hàng hoá với cơ chế thị trường đòi hỏi phải thay đổi kiểu quan hệ đó, tức là người tiêu dùng, chứ không phải người sản xuất, qui định mặt hàng và chất lượng hàng hoá, còn người sản xuất phải đáp ứng nhu cầu đó. Trong nền kinh tế thị trường, việc sản xuất hàng hoá chất lượng cao với giá cả hợp lý cũng đáp ứng lợi ích của chính người sản xuất. Tuy nhiên cũng chính trong nền kinh tế thị trường, dưới áp lực của lợi nhuận, của động cơ kiếm tiền bằng mọi cách, đã xuất hiện một hiện tượng tiêu cực mới, đó là nạn làm hàng giả. Tình trạng lẫn lộn trắng đen, thật giả trong thị trường hàng hoá ngày một tăng đã tác động hết sức xấu đến quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở nước ta. Trong khi chưa hạn chế, tiến tới chấm dứt nạn làm hàng giả, thì chưa thể nói đến một nền kinh tế thị trường cạnh tranh lành mạnh. Quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đòi hỏi người lao động thuộc mọi thành phần kinh tế phải có văn hoá lao động, vì chỉ có như vậy mới đáp ứng được lợi ích lâu dài của họ cả với tư cách là người sản xuất và người tiêu dùng, nhất là trong điều kiện hội nhập quốc tế.
Quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá còn đụng chạm đến các vấn đề phức tạp trong quan hệ giữa con người với thiên nhiên. Nó đòi hỏi người lao động phải có hiểu biết và trách nhiệm cao trong việc bảo vệ, cải thiện môi trường sinh thái vì sự phát triển bền vững, nói một cách ngắn gọn là phải có văn hoá sinh thái. Đây là vấn đề cấp bách, sống còn không chỉ đối với mỗi quốc gia – dân tộc mà còn đối với nền văn minh nhân loại. Vì vậy, bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn dân, bao gồm mọi lứa tuổi, song đối với người lao động trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phải được nâng lên thành văn hoá sinh thái. Khái niệm “văn hoá sinh thái” bao gồm cả quan điểm, nhận thức, thái độ, hành vi, lối sống, cách ứng xử đúng đắn của người lao động đối với tự nhiên; cả việc phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hậu quả của sản xuất công nghiệp gây ra; cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên, thích nghi với tự nhiên và đấu tranh chống lại việc tàn phá tự nhiên.
Trong quá trình thực hiện công nghiệp hoá - hiện đại hoá, người lao động còn phải có năng lực xử lý mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, giữa dân tộc và thời đại. Truyền thống được hiểu là: phức hợp những tư tưởng, tình cảm, những tập quán, thói quen, những phong tục, lối sống, cách ứng xử, ý chí, v.v. của một cộng đồng người đã hình thành trong lịch sử, đã trở nên ổn định và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Như vậy, truyền thống có cả mặt tích cực và tiêu cực dù muốn hay không vẫn để lại dấu ấn vào hiện tại, và ở mức độ nhất định, có thể còn ảnh hưởng đến sự vận động của tương lai. Sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đòi hỏi người lao động vừa biết kế thừa những giá trị truyền thống, vừa biết phát triển những giá trị đó lên tầm cao hơn, đồng thời tiếp thu những tinh hoa quý giá của văn minh nhân loại. Nếu không biết kết hợp truyền thống với cách tân để vượt lên, để hội nhập, để tìm mọi cách bước vào xã hội hiện đại thì tương lai chỉ là sự tụt hậu.
Nguồn nhân lực chất lượng cao của thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá phải là “những con người phát triển cả về trí lực và thể lực, cả về khả năng lao động, về tính tích cực chính trị – xã hội, về đạo đức, tình cảm trong sáng”. Việc xác lập các chuẩn mực, định hướng các giá trị xã hội để xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước là hết sức cần thiết. Chìa khóa vạn năng để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chính là phải nâng cao giáo dục toàn diện, đổi mới cơ cấu tổ chức, cơ chế quản lý, nội dung, phương pháp dạy và học; thực hiện "chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa", chấn hưng nền giáo dục Việt Nam.
Theo Chương trình phát triển của Liên hiệp quốc( UNDP) phát triển nguồn nhân lực có 5 nhân tố phát năng
- Giáo dục và đào tạo
- Sức khõe và dinh dưỡng
- Môi trường
- Việc làm
- Sự giãi phóng con người
Những nhân tố nầy gắn bó và tùy thộc lẫn vào nhau. Nhân tố giáo dục và đào tạo là cơ sở của tất cà các nhân tố khác
Phát triển nguồn nhân lực nhằm nâng cao cuộc sống, từ đó là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội
Phát triển nguồn nhân lực
Phát triển kinh tế- xã hội Nâng cao chất lượng cuộc sống
Đề cập đến vấn đề “ tài nguyên con người”, đến nội dung phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng các yêu cầu mà kinh tế - xã hội đặt ra, ai cũng đều thống nhất “… phải ưu tiên đầu tư cho giáo dục! – Việc nầy từ Trung ương đến cơ sở đều đã làm, đã có nhiều động thái tích cực và cụ thể trong các giải pháp đầu tư.
Vấn đề mà Hội thảo lần nầy cần chỉ ra là:
- Nguồn nhân lực hiện nay trong tỉnh sẽ vận hành ra sao dưới sự quản lý – phát triển bằng những kế họach khả thi trong điều kiện thực tế của tỉnh nhà ?
- Nguồn nhân lực chất lượng cao, con số nhỏ nhưng ở vị trí nòng cốt có đủ về lượng và mạnh về chất để gánh vác nhiệm vụ đầu tàu trước những thời cơ và thách thức trong xu thế hội nhập hay không ?
- Đội ngũ trí thức của Bến Tre có an tâm làm việc, có hăng hái sáng tạo để ngày càng làm ra nhiều giá trị gia tăng cho tỉnh nhà hay không? Sáng tạo là bệ phóng để nhảy vọt, đi tắt, đón đầu sự phát triển. Chúng ta rất cần những sản phẩm trí tuệ mang tính sáng tạo. Vì vậy, đối với nguồn nhân lực chất lượng cao cần phải có sự quan tâm đặc biệt
2. CÁC KHUYẾN NGHỊ VÀ GIẢI PHÁP ĐỀ XUẤT
2.1. Khuyến nghị
+ Địa phương cần có một bộ phận chuyên trách để tổ chức và tập hợp đội ngũ trí thức hiện có. Hiện nay, CLB nhân sĩ trí thức trong MTTQ Tỉnh, LHH tỉnh, các bộ phận chức năng trong Ban TCTU, Sở Nội vụ đều có nhiệm vụ liên hệ với đội ngũ trí thức của tỉnh nhà. Cần rà soát, củng cố lại để từ nơi nầy có thể tư vấn, đề xuất các chương trình, các giải pháp phát huy nội lực của đội ngũ trí thức kể cả việc lôi kéo, huy động các nguồn lực từ bên ngoài địa phương.
+ Cần lưu ý 5 nhân tố phát năng mà UNDP đã gợi ý. Đặc biệt, nên chú ý phần môi trường làm việc và các chính sách mang tính chất thu phục và lôi cuốn
2.2. Các giải pháp đề xuất
+ Công bố rộng rãi Chương trình Mekong 50 của tỉnh, Đề án 322, các Chủ trương đào tạo- bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao mà địa phương tranh thủ được như học bổng của các trường Đại học quốc tế dành cho Bến Tre trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua ngành giáo dục và bộ phận chuyên trách của Sở Nội vụ để tuyển chọn đúng- đủ- kịp thời, không để xãy ra tình trạng bế tắt trong khâu thực hiện.
+ Đẩy mạnh khâu tạo nguồn bằng kế hoặch đào tạo – bồi dưỡng ngoại ngữ. Trước mắt, nên huy động và liên kết tổ chức các lớp tiếng Anh theo hướng mở rộng và nâng cao.
+ Khai thác và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao
Nguồn nhân lực chất lượng cao sau khi được trang bị những kiến thức cần thiết cho ngành nghề cần phải được bố trí – sử dụng đúng với chuyên môn đào tạo. Năng suất và chất lượng của lao động nghề nghiệp chỉ và chỉ khi người lao động ấy làm đúng với phần việc chuyên môn của mình
Trong sử dụng cần lưu ý :
+ Môi trường làm việc
Lao động tác nghiệp trong các lĩnh vực có liên quan và chịu sự tác động bởi nhiều yếu tố:
- Môi trường chính sách: Gồm các chế độ đãi ngộ dành cho người lao động với tư cach là nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh các yêu cầu đúng, đủ, kịp thời, cần phải thể hiện bằng những ưu tiên với tính chất khích lệ; nó có thể khiến cho chủ thể toàn tâm, tòan ý vì công việc, ngược lại nó cũng có thể làm tắt dần ngọn lữa nhiệt tình, chôn sâu sự sáng tạo
- Môi trường vật lý: Trong thời đại thông tin, hội nhập và toàn cầu hóa như hiện nay, môi trường làm việc của con người có biên độ giới hạn rất lớn. Nó không chỉ dừng lại ở mức độ diện tích phòng làm việc, trang thiết bị, các công cụ trợ giúp hiện đại mà còn bao hàm một ý nghĩa lớn hơn. Đó là việc ứng dụng, khai thác hết tính năng - giá trị sự dụng của các trang thiết bị, các công cụ trợ giúp theo hướng hiệu quả nhất .
- Môi trường tâm lý: Sự thõai mái về tinh thần, bầu không khí tâm lý tập thể, sự tương quan về môi trườngvật chất , cảnh quan đều có những tác động đến việc hình thành bầu không khí tâm lý tập thể. Môi trường tâm lý tốt có một phần do sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý của các phần tử bên trong và bên ngoài hệ thống, là uy tín cá nhân, độ tin cậy của thông tin quản lý được xây dựng và hình thành trong tiến trình cộng tác với nhau
Xét cho cùng, khi môi trường vật lý chưa hòan thiện, môi trường chính sách còn nhiều bất cập thì môi trường tâm lý giữ một vai trò rất quan trọng
Có thể nội dung bản tham luận nầy chưa đi thẳng vào những vấn đề chính. Tuy nhiên, nguồn nhân lực chất lượng cao, có thể tạm hiễu là một tầng lớp người có khả năng làm việc và chịu làm việc tại địa phương từ nay đến 2020 cần được đối xử như là một trí thức với hai mặt ưu và nhược mà lý luận đã tổng kết. Những vấn đề lãnh đạo, quản lý, khai thác và sử dụng đội ngũ nầy cần có một quyết sách mang tầm cỡ địa phương. Không khéo, chúng ta sẽ bõ qua nhiều cơ hội, lãng quên nhiều trường hợp và trên hết là chúng ta không ngăn được hiện tượng chảy máu chất xám như một số nơi đang gặp phải ……
1 nhận xét:
Cháu xin có đôi dòng ạh. Chỉ là suy nghĩ cuả cháu chứ ko dám đóng góp.
Trước hết chú đề xuất là xây dựng thành quản lý thì cháu thấy ko ổn lắm! Cháu rất thích cách chú phân tích từ xây dựng, rất thích nhưng đã là đội ngũ trí thức để phát triên thì việc "quản lý" họ là khó ạ. Vả lại thực tế chúng ta chưa có sẵn để mà "quản". Cháu thích dùng từ "Tìm kiếm và phát triển( hoặc là phát huy ) thì nghe hay hơn.
Cháu ko thuộc thành phần chống đối hoặc tỏ ý lên án hay công kích nhà nước nhưng thực tâm cháu chẳng thích hàng ngũ cuả Đảng ta xây dựng tí nào. Nghe có vẻ mạo phạm hoặc có thể có nhiều người sẽ ko thích cháu. Nhưng thực tế cháu chẳng bao giờ quan tâm hoặc tham luận đến chính trị hoặc những kỳ hội nghị cuả Đảng. Đôi lúc, liếc sơ vài dòng cháu thấy họ dùng từ "dao to buá lớn" quá!
Theo cháu, mỗi cá nhân đều có sở trường hoặc sở đoản riêng nếu "người sử dụng" biết phát hiện và tận dụng sở trường cuả "người thuộc quyền quản lý cuả mình thì chuyện phát triển và thành công chỉ là sớm muộn do "nguồn cung" có sẵn đề dùng hay không mà thôi. Sở trường cuả mỗi cá nhân đôi khi chính họ cũng ko phát hiện khi ko gặp môi trường thích hợp (người xưa hay nói, cá gặp nước thì mới có thể vẫy vùng có lẽ là ý này). Ngành giáo dục cũng góp phần ko nhỏ trong việc phát hiện ra những nhân tài. Ngày còn học phổ thông, khi đăng ký thi đại học cháu chẳng biết gì về nghề nghiệp hay tuyển chọn đại học ra sao, nhiều thứ mù mờ lắm! Cứ nghĩ mình giỏi toán - hoá và cứ khư khư vào những trường có tiếng như thằng điếc ko sợ súng vậy! Phải chi,... lúc ấy, gia đình hoặc thầy cô hướng dẫn có lẽ cháu ko phải đánh 1 vòng quá xa như thế!
Và cuối cùng, cháu chỉ muốn có 1 phép so sánh nhỏ mà cháu đang thấy như vầy: 1 sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi ra trường hoặc 1 nhân viên giỏi tìm việc thì cái họ quan tâm và so sánh trước hết là mức lương. Lương khởi điểm cuả 1 cty nước ngoài khoảng 300-400USD có thể là thấp nhất và khi thăng tiến thì mức lương có thể là cả nghìn hoặc hơn họ còn có cơ hội đi bồi dưỡng, du lịch nước ngoài và nhiều ưu đãi khác. Trong khi chế độ lương có nhà nước là theo cấp bậc, theo văn bằng, chứng chỉ. Và mức lương được đếm theo thang bậc, theo thâm niên, nghĩa là cứ tăng số năm công tác là tăng lương ko kể nhiều đến năng lực, thử hỏi còn ai có thể phấn đấu? Thử hỏi tạo môi trường tâm lý hay làm việc gì đó mà với mức lương ko sống nổi ai thích bám trụ nhỉ (nếu người thực tài), ở đây cháu ko nói đến người có cái tâm (bởi nhiều lúc sống bằng cái tâm mà vợ con cực khổ, chì chiết họ còn đủ "tâm" để đặt vào?). Ngoại trừ, những Người quá thanh liêm mà họ đa phần sống trong cái nghèo thì những người còn lại trong "chế độ nhà nước" mấy ai sống thực sự bằng "đồng lương" cuả mình? Bởi vậy, đôi khi cháu ko trách những người tham nhũng. Con người cơ bản đã là có lòng tham. Bởi vậy, vấn đề đưa ra dường như tạo ra việc chứ "khả thi " thì có hơi "phiêu" ạh :-).
Cháu dài hơi mong chú đừng chấp.
Đăng nhận xét