Xin phép Vương huynh cho đệ được in bài nầy
Thứ năm, ngày 03 tháng năm năm 2012
Đàn bên giường bệnh.
Ta bước vào cổng nhà bạn với một
lời nguyện cầu. Bởi vì bên trong căn phòng kia nơi bạn đang nằm đau đớn – khắc
khoải thì chỉ còn lời nguyện cầu là còn có ý nghĩa mà thôi. Ta đã quá quen với
giây phút “cận tử nghiệp” của nhiều người, kể cả những người thân yêu nhất. Đó
là giây phút mà không ai có thể trốn tránh được, dù cho ẩn nấp nơi thành lũy
huy hoàng – nhà cao cửa rộng hay nơi nếp tranh thảo dã. Dù cho ai có hóa trang
dưới lớp áo lụa xa hoa hay áo vãi cơ hàn, dù cho suốt trong cuộc đời ai đó đam
mê vật này của kia hay quay lưng với tiền tài danh vọng, dù cho dấu đi thân phận
như kẻ kia ôm chiếc nóp thượng kinh thăm kẻ chợ hay ngạo nghễ ta đây trí dũng
song toàn, thì cũng đến giây phút đối diện với đôi bờ sanh tử, đến lúc nhận ra
chân tướng một-cõi-đi-về. Biết là vậy nhưng ta không khỏi nao lòng… không khỏi
cầu xin một điều huyền diệu!
Trong phòng bạn chiếc laptop đã
nhiều tuần không còn kết nối với cõi nhân sinh chộn rộn, lớp bụi mờ đã bắt đầu
phủ lên những phím đen vô cảm, bài viết cuối cùng cho cái blog bạn đã chủ động viết rồi! (và
ta cũng đọc đi đọc lại nhiều lần rồi!) Có còn gì tiếc nuối! Trong phòng giờ đây
chỉ có ta với bạn và với cây đàn. Một vài đối thoại rời rạc, mệt nhọc chỉ làm
thêm âm u một không gian vốn đã âm u. Mà đối thoại làm gì nữa!? Ta với bạn
chẳng đã có trăm lần luận thế sự nhân tình, binh pháp tàng hung trung - miệng
lưỡi đã thành đao kiếm, ngang dọc đã từng, tốn bao nhiêu chén trà chén rượu
trong bao nhiêu buổi chiều buổi sáng, mà có thay đổi gì đâu cái cuộc đời lăn
theo bánh xe lịch sử. Bao nhiêu lý này thuyết kia giờ đây mà lại nói với nhau
thì chẳng đáng nực cười sao(!) Thế nên ta và bạn đã im lặng hồi lâu bên nhau,
chiêm ngưỡng cái vận hành không ngừng nghỉ – không có lúc kết thúc, bởi kết
thúc nào cũng là lúc bắt đầu - vô cùng vĩ đại và cũng vô cùng vi tế của cõi phù
sinh.
Cái mà ta không nói được thì ta
có thể nói được bằng tiếng đàn. Ta đàn cho bạn nghe. Bạn đã mệt nhiều rồi thế
nhưng vẫn còn phân biệt được đây là Diễm Xưa và kia là khúc Thu Sầu. Mắt bạn
sáng lên. Đúng vậy, người ta nói rằng âm nhạc có thể làm cho ta sống lại những
ngày nắng đẹp, những phút bên hoa. Lúc đầu ta cố hết sức để không chơi những
khúc thương đau, nhưng mà rồi nỗi niềm cũng dẫn ta đến buồn Phôi Pha:
Thôi về đi, đường trần đâu có
gì
….
Ôi phù du, từng tuổi xuân đã
già.
Một ngày kia đến bờ.
Đời người như gió qua.
Lòng ta đau nức nở một lời cầu
nguyện!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét