Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2012

CHẢY ĐI SÔNG ƠI

Đêm qua mơ được trở về với dòng sông tuổi thơ. Chợt nhớ, tôi có một Anh bạn lớn lên bên dòng sông và hằn sâu trong ký ức những kỹ niệm về con đò- dòng sông. Bạn lớn lên, chứng kiến sự đổi thay theo lộ trình đô thị hóa bổng dưng sợ mất hết nên ghi lại những cảnh cũ, người xưa…con sông của Anh bạn tôi bên bờ Nam là một vùng quê yên tỉnh, sống nép mình dưới tàn cây xanh mướt, mỗi ngày, chắt mót cho người Bờ Bắc, TX Bến Tre, nay là Thành phố BT từ tàu lá chuối khô đến mọi thứ hoa trái trong vườn. Hằng ngày, muốn đi học phải sang bên kia bờ Bắc. Thế là phải qua sông, phải dũng cảm rèn luyện cảm giác mạnh mỗi khi con Đò ngang khẳm lé đé và bị Ông chủ đò mắng như tát nước…



Đấy!
Kỹ niệm không là gì
Khi lòng ta chối bỏ
Kỹ niệm là tất cả
Khi lòng ta cố quên
- Tại sao là cố quên?... ? ... càng cố quên thì lại càng nhớ hơn... cho nên nó là ... ‘’tất cả’’
Mỗi người trong tim, ai cũng có một dòng sông để thương nhớ. Sông, với tôi là nguồn sống, là những chuyến đi về mang đầy vị ngọt của quê nhà. Con sông phía trên Rạch Gầm Xoài mút, phía dưới Cù lao Năm thôn của tổng đốc Trần Bá Lộc mà sau nầy người ta gọi là Cồn Ngũ Hiệp. Bờ Bắc là quê Ngoại, bờ Nam là quê Nội. Lúc còn nhỏ, tôi hay bỏ những cuộc chơi để chạy riết ra mé sông nhìn những chiếc tàu xăng to đùng chạy về phía Nam Vang rồi lấy đất sét, tưởng tượng nắn lại những chiếc tàu ấy... tới những chi tiết không nhớ nổi nữa, mặt buồn hiu... thế là bỏ... Vậy đó, tuổi nhỏ ham chơi nhưng cũng chóng chán là vậy.
Lớn lên một chút, được cho đi tắm sông ? Hình như cũng chẳng có ai ra lệnh cho được đi tắm sông cả... chỉ biết tắm hoài không thấy bị đòn là chắc được cho phép rồi đó. Tắm hết biết! từ trưa tới xế với các trò chơi dưới nước cùng mấy đứa trong xóm. Về tới nhà với con mắt đỏ hoe, thế là bị đòn đã đít. Hứa đủ thứ, nhưng bữa sau lại tái phạm y chang...
Lớn một chút nữa, được cho đi dỡ chà với Dượng Hai. Mới đầu ngồi trên xuồng, lần lần cũng bị sai lội xuống nước... Trời lập đông của tháng Chạp lạnh cóng, nhìn xung quanh toàn là nước, lại ở khoảng giữa sông Cái, khúc chót Ngũ Hiệp, một phần sợ .. đủ thứ... vậy mà lần cũng quen để sau nầy trong vốn sống có thêm cái nghề dỡ chà giữa sông Cái...
Sau nầy, nhà ở hai bên bờ Nam- Bắc, chuyện đi về như cơm bữa. Có lúc, từ bờ Nam đi về tới nhà khoảng 2 giờ sáng, nghe lộp cộp dưới bến, Bà Già bưng đèn ra cho thấy đường đi lên kèm theo đó là những lời quở trách. Nghĩ lại hồi nhỏ gan thiệt. Con sông rộng hơn 2 cây số chớ ít gì. Vậy mà muốn đi là đi, gặp lúc trời giông Nam sóng lớn, xuồng trôi xuống gần 2 cây số nữa, phải núp trong các vịnh bơi lần lần lên về tới nhà gần sáng, bị chữi là đáng đời...

Bây giờ, mỗi khi đi ngang cầu Rạch Miễu, nhìn về phía thượng nguồn bổng thấy nao lòng và nhớ quá. Ở một nơi phía trên đó, có cái bến xuồng nhỏ đã cho tôi một chỗ đi về, có cây Săng máu để tôi trèo lên, nhảy xuống mỗi lần ra tắm, có những con đường tắt ngoằn ngoèo chạy ra mé sông gần nhất để coi tàu xăng chạy xịt khói...
Nhớ quá, càng cố quên lại càng nhớ... Ôi chùm khế ngọt ngào của tôi.





3 nhận xét:

gái miền tây nói...

Anh Phúc ở Chợ Lách phải không

Nguyễn Tấn Phúc nói...

Muốn ở Chợ Lách cũng được! Thật ra, Anh ở phía bên kia, ngang với Chợ Lách- chỗ cái đuôi cồn Ngũ Hiệp đó. Nơi ấy, phía trong có cái cồn nhỏ gọi tên cồn Bà Khế, phía trong đất liền là xã Tam Bình, nơi anh có nhiều cái Bến quê để đi về và...tắm mát.

gái miền tây nói...

Cám ơn Anh Phúc vì bỏ thời gian trà lời cho em,em thich đọc bài của Anh lắm,chúc Anh có nhiều sức khỏe hơn nhé