Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2009

CHỜ SÁNG

Lại có chuyện nữa đây! – Đang dạy, LĐ trường gọi lên gấp và giao cho nội dung phải hòan thành một bản tham luận về vấn đề ‘’ Đào tạo – bồi dưỡng nguồn nhân lực cho tỉnh nhà giai đọan 2010- 2020. Giải pháp thực hiện’’
Yêu cầu hòan thành sớm để góp chung trong Hội thảo:”Xây dựng , phát triển đội ngũ trí thức Bến Tre thời kỳ 2010- 2020’’
Đầu tiên là tên gọi Hội thảo? ( Xây dựng, phát triển…) Khái niệm ‘’xây dựng’’ trong ngành xây dựng cơ bản là phải thiết kế và thi công từ nền mống, cừ cọc… rồi sau đó mới làm tiếp, có thể là Nhà , có thể là Biệt thự nhiều tầng…Đội ngũ trí thức của Bến Tre hiện nay được hình thành từ nhiều nguồn, hơn nữa, quá trình họ chuyển từ ‘’ngủ''sang ‘’thức’’ và ngược lại có được đầu tư từ ban đầu không ?? Gọi là xây dựng có ổn không??
Đụng đến việc ‘’ training’’ và ‘’cultivations’’ cho con người là lãnh địa khó đây! Khó không phải mình không có thông tin, không biết ‘’ CÁI’’ và ‘’ CÁCH” mà chính là vấn đề quá lớn, có quan hệ kéo theo, đụng chạm đến nhiều chính sách, đến cơ chế sử dụng, đến lối làm việc theo kiểu ’’ăn đong’’, đến những cái đầu chỉ quen làm theo sự vừa lòng của cấp trên…

Chủ thể đào tạo và bồi dưỡng là đội ngũ trí thức. Không phải đến bây giờ, người ta mới thấy tầm quan trọng của ‘’ kẻ sỉ’’ Đặt ra vấn đề phát triển nguồn nhân lực’’ để biết phải đối xử như thế nào với người tạo ra nó đúng là một mũi tên trúng hai cái đích… Cũng được thôi, mình sẽ hỏi Vương huynh nên làm thế nào đây. Thật ra, tham luận cũng như ‘’đá ném ao bèo’’, mình khoái tranh luận hơn. Có lẻ nên sắp ra những ý gợi mở để cho mọi người cải nhau chơi … Ở đâu cũng vậy, khi mà BÊN THI CÔNG và bên SỬ DỤNG chưa có ‘’Khế ước hợp đồng’’ chặt chẽ thì con thuyền giáo dục do những kẻ sỉ đưong thời chèo chống vẫn hát mãi bài ‘’ Thuyền và biển của Phan Huỳnh Điểu thôi ! Đổ hết cho giáo dục mà trong đó cụ thể là nhà trường thì ‘’ oan cho thảo dân’’ quá !

‘’ Lấy người thương mình hay lấy người mình thương’’? Làm sao để cho người ta thương mình? Ai chỉ ra được chỗ nào thương mình ? Có lẻ, nên đặt lại một vấn đề ‘’ vỡ lòng’’ về phương pháp luận thiết kế’’: Công việc cần con người hay con người đẻ ra công việc? Trí thức của Bến Tre, hay nguồn nhân lực của Bến Tre trả lời những vấn đề nầy? .. Dù sao mình cũng phải viết thôi, lại phải làm mất thời gian của Vương huynh nữa rồi ….!

Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2009

THẦY CỦA CON TRÒ CÓ ĐƯỢC GỌI LÀ ‘’THÁI THẦY’’ KHÔNG NHỈ?

`1111111111111111111111111111111111111111111111111111
Chữ nghĩa Việt có vô vàn cách lý giải. Có những chữ thân quen, gần gũi, có những chữ sâu xa lắng đọng. Chữ và nghĩa của tiếngViệt là kết quả đồng hành của quá trình Ông cha ta cọ xát với thực tế, sáng tạo ra. Có thể xem đây là quốc bảo, là di sản, là …( Là cái gì lớn lao, thiêng liêng, đa dạng, phong phú, ...)
Ngồi nghĩ đến công việc hằng ngày, tự dưng thấy có gì đó ngồ ngộ : Bình thường, người xung quanh gọi mình là Thầy ! Thực ra khái niệm Thầy là một danh xưng dùng để chỉ những ai có nghề và nghiệp trong ngành giáo dục.Tự hỏi bản thân mình có được xếp vào vị trí Thầy chưa ?. Trên lý lịch và bảng hiệu công chức đeo trước ngực ghi rõ : Giảng viên chính ( Hơn được giảng viên phụ và giảng viên ?) Giảng viên, dùng để chỉ những người đứng lớp ở cấp học cao đẳng trở lên đến sau đại học ) Giáo viên, dùng để chỉ những người đứng lớp ở bậc Mầm non, phổ thông và trung học chuyên nghiệp. Giảng theo nghĩa « đùi » là rao giảng, là trình bày, là gợi ý là đưa ra vấn đề... thậm chí, trong một chừng mức nào đó, những điều đưa ra của giảng viên chỉ là ở mức khởi đầu. Cấp học cao, nội dung và phương pháp trình bày phải mang tính đặc thù như trên để người học tự tìm đến những kiến thức mà mình cần( Kiến thức nầy thật sự là của họ, chớ không phải của ông Thầy trao cho ) ? Giáo thì có khác hơn, trong trình bày vấn đề có yêu cầu định hướng dạy dỗ rõ nét. Giáo là phải dạy ! Mục tiêu của giáo là những phạm trù mang tính chất định tính được vạch ra trong từng mục tiêu cấp học. Giáo dục, giáo huấn từ xưa đến nay đã cõng trên vai sứ mệnh nầy. Như vậy( Có thể quy kết) lao động phức tạp của giáo viên nặng hơn giảng viên không ??
Trong thứ bậc của học hàm ở Việt Nam có hai chức danh : Phó giáo sư và giáo sư . Phó giáo sư hay giáo sư là hai danh hiệu Nhà nước phong cho những người trong quá trình là Thầy đã có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp’’ trồng người ‘’ Giảng viên chính, gọi là thợ dạy đã qua chọn lọc, thi cử mà nên, được xếp cùng bậc lương với phó giáo sư có vô tình hạ thấp danh vị của người Thầy giáo cấp cao không ??
Tôi có người Cha, những năm 50, đậu trung học đệ nhất cấp, cuộc đời dong ruỗi không biết thế nào Ông xin vào một chân dạy học tại tỉnh Trà Vinh. Bước khởi đầu, ngạch bậc chỉ là ‘’giảng tập viên’’. Nội chức danh thôi cũng đủ thấy ngày xưa, ngành giáo dục chọn lựa người rất thận trọng. Hơn 30 năm sau, Ông về nghỉ với chức danh giáo viên tiểu học thượng hạng/ hạng ngạch I ( Hạng III, hạng II rồi mới tới hạng I). Lần lại dấu chân của người xưa, qua những nơi Ông đã dạy, tôi vẫn gặp lại những con người đã hơn 60, một ít nhỏ hơn đều nhắc về Thầy mình với lòng tôn kính. Ngày giỗ- chạp, thỉnh thoảng vẫn có một vài Bác học trò cũ tới viếng. Công việc của Thầy giáo xưa, -. Một mệnh đề tuy đơn giản nhưng mà làm được.
Bi giờ, cũng thông qua dạy chữ để dạy người. Cũng truyên truyền rao giảng những bài luân lý, đạo đức của người xưa nhưng cái đạt được sao mù khơi quá ? Có lẻ, con người hôm nay đang có quá nhiều cơ hội, đang đứng trước nhiều sự lựa chọn ??
Gần đây, bổng thấy mình đã sắp tới hồi ‘’hết vai trò ‘’. Có thể đã già cổi rồi. Số là vài năm gần đây, vào lớp, trong mối quan hệ với học viên, mình nhận ra những đứa con của học viên cũ của mình (Tôi không bao giờ gọi những người từng học trong lớp của mình là học trò cả, chỉ gọi là học viên vì họ đều là những người có tuổi, họ đi học vì ngày trước chưa có điều kiện được học). -Trước đây Cha / Mẹ em học Thầy, bây giờ em cũng học Thầy ? Tiếng Thầy mộc mạc, khô khan mà gần gũi. - Như vậy là Thầy mai mắn lắm đó , được dạy cho cả một nhà thì tuyệt chứ sao !- Nói như vậy nhưng lòng buồn vô hạn. Mấy năm qua, mình có được tiếp sức đủ để không nói lặp lại những điều đã nói với Cha/Mẹ của các em kia không? Thế hệ sau phải cao hơn thế hệ trước, mình vẫn một phong cách cũ (Dù có chuyên nghiệp hơn) thử hỏi buồn không nhỉ ?- Phải chi mình lúc nào cũng như Trương Tam Phong, lúc nào cũng có chiêu thức mới là luôn ở vị trí ‘’ tuyệt chiêu’’ để cho những thế hệ Trương Vô Kỵ luôn gọi là Thái sư phụ thì hay biết mấy ? Vòng đời lẫn quẫn, dù sao mình cũng mới chỉ là giảng viên ( dù có chính) Người ta chắc dễ tha tội cho những giảng viên hơn những Ông Thầy đó chứ ? GIÁO SƯ- PHÓ GIÁO SƯ (Thua GS một chút về công đức ) THẦY GIÁO- GIẢNG VIÊN – THỢ DẠY ... ( Có ai minh mẫn, xếp lọai theo thứ tự từ cao xuống thấp giùm tôi. Không biết đằng sau THỢ DẠY là những ai ?

Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2009

ĐOẠN TRƯỜNG TÂN AN

Giáo dục, sự tái tạo xã hội nếu nhìn ở góc độ chức năng. “ Non sông Việt Nam … có trở nên vẽ vang hay không là do ở sự học tập của thế hệ trẻ hôm nay. Thế nhưng, học cái gì? học như thế nào? Hoàn toàn phụ thuộc vào sự thiết kế của người làm giáo dục hôm nay. Học là điều kiện tồn tại của dạy. Phải xem người học cần gì, từ đó định ra nội dung và cách dạy. Lý thuyết là như vậy ai cũng nói được nhưng khi làm thì khác. Bấy lâu nay, chúng ta bơm vào giáo dục quá nhiều quan điểm, đặt ra nhiều yêu cầu cách tân thông qua những lần cải cách giáo dục.. kết quả được những gì?
- Được nhiều thứ đó chứ! Được thay đổi mẫu tự chữ cái (e) mở đầu trong bảng chữ cái thay vì (a) như các nước tiên tiến hay dùng. Được thay lòng tự trọng của người Thầy bằng cách phải “ làm theo” yêu cầu của quy chế một cách cứng nhắc. Bi giờ, có ai cắc cớ hỏi, lòng tự trọng của người Thầy đi lạc ở đâu chắc không biết đường đâu mà tìm… Người Thầy trong tâm cảm của người Việt được thay dần bằng khái niệm “ thợ dạy”. Người “ gieo chữ cho đời” được thay thế bằng cụm từ “ cán bộ giáo dục” Nghe mọi người vinh danh là “ cán bộ giáo dục” tưởng như lớn lắm, rộng lắm .. Ừ! Lớn thiệt đó chứ! Có khi còn hoành tráng nữa là khác ?
- Ngày xưa, trò xưng “ con “ với Thầy, khoảng cách giữa Thầy và trò nghiêm trang, kính cẩn. Hình ảnh người Thầy trong mắt của trò là điều gì đó rất thiêng liêng..
- Ngày nay, cách tân, khoảng cách giữa Thầy trò rất gần gũi, trò có thể đặt ra yêu cầu với Thầy, có thể ra giá, có thể mời Thầy đi ăn, uống, nhảy nhót?? Thầy không còn cái quyền nhận xét, đánh giá học trò của mình theo cái khách quan ( Tất cả vì học sinh thân yêu mà?) Làm anh “ thợ dạy” có những cái hay của nó. Được hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, được học sinh cảm tạ vì được chỉ dẫn tận tình để vươn lên bậc cao trong nấc thang điểm số…
- Chủ nhật vừa rồi, ngồi với Ông Anh là một nhà giáo đã về hưu, được nghe một chuyện “ Đoạn trường Tân An! ( Có thật 100%)
- Số là khi còn đứng lớp, một bữa nọ, Anh mình được cử trong đoàn dự giờ các tiết dạy của đồng nghiệp (Công việc nầy thuộc về quy định mà!) Ngồi trong Văn phòng, Anh thấy một cô giáo trẻ xách một chiếc lồng chim thật đẹp đi ngang. Thắc mắc? Rà soát lại, hôm nay theo lịch dự giờ đâu có tiết nào thuộc môn Sinh vật ?? Thế rồi việc gì đến vẫn phải đến. Anh vào dự giờ đúng ngay lớp của giáo trẻ kia.
- Sau khi làm hết các thao tác kiểm tra bài cũ, đến mục giảng bài mới, cô giáo trịnh trọng đưa chiếc lồng chim lên cao và hỏi” các em biết đây là gì không?” Học sinh đồng thanh trả lời” Thưa cô đó là cái lồng chim” Cô giáo khen giỏi-giỏi (Không biết cô khen cái gì?), tiếp, - Thế trong lồng nhốt cái gì các em ? Lại cũng đồng thanh “ Thưa cô đó là con chim! – Giỏi/ giỏi … Các em biết đây là con chim gì không nào? .. Thưa cô là con chim sáo! Quá giỏi, các em thiệt giỏi! (Cô giáo khen nức nỡ). Đúng, đây là con chim sáo, như vậy hôm nay cô sẽ dạy cho các em bài học về Võ Thị Sáu!
Ông bạn già của tôi kể đến đây mà đôi môi còn run run dù chuyện nầy đã qua lâu rồi ! Cời ơi Cời! xin được đặt lại chuyện nầy với tên là “ Đoạn trường Tân An”? Những mẫu chuyện tương tự như trên chắc diễn ra không ít trong các ngôi trường trên đất nước nầy!

Hỡi những người muôn năm cũ, hồn bây giờ ở đâu? Có nghe không?
Rồi mai đây biết ai còn có nhớ
Hay quên đi như bụi phấn ngày xưa
Có một thời giọng Thầy vang ở đó
Còn gì không hay không một âm thừa?

Thôi bõ đó, từng giờ chơi giờ học
Tiếng trống ban mai, áo trắng ngập ngừng
Lối cát buồn chợt nức nỡ bâng khuâng
Thầy cúi xuống nghe lòng mình nặng trĩu

( Nặng hay nhẹ đây hỡi những người muôn năm cũ?)

Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2009

’Lo bò trắng răng…!’’

Mình viết ra những ý tưởng nầy có lớn quá không ? Việc quốc gia đại sự chắc nên để cho những nhà hoặch định chính sách, phận thấp hèn, làm được gì mà cay đắng kiểu ‘’lo bò trắng răng…!’’ Mấy hôm nay, do phải làm việc, phải nói, phải mỗ xẻ, phải phân tích cụm từ mục tiêu giáo dục : Nhiều mĩ từ quá, mục đích, trạng thái mong muốn mà con thuyền giáo dục phải cập bến được vẽ ra quá tốt ! (Chuyện chữ nghĩa nói hoài chán lắm, bản thân mình cũng không khoái chuyện sính chữ..)
Nhân có dịp trao đổi với vài bạn hiền, mình cảm thấy… hình như ta đang đi trên con đường???- Phải không? – Với cách làm giáo dục (Nội dung và phương pháp, kể cả liên quan với cách đánh giá ) như hiện nay, chúng ta có đáp ứng được đơn đặt hàng của xã hội hay không nhỉ ?
Mục tiêu giáo dục nhìn ở góc độ nhân cách là tri thức- kỹ năng- thái độ, cái mà ta hay nói với nhau là thông qua dạy chữ để dạy người
Nầy nhé, cứ lần theo từng bước đi của lịch sử:
Giáo dục phong kiến đã cho ra lò những kẻ sĩ, thuộc làu làu tất cả các giáo lý mà thánh hiền để lại. Phong kiến là thứ bậc, là tôn tri trật tự, người có học trong thời nầy đã làm được cái việc mà chủ thể của xã hội đó yêu cầu, đã bảo vệ được ( trong một giai đoạn) quyền lợi và địa vị thống trị của nó..

Nền giáo dục cách mạng, đặc biệt là giáo dục của miền Bắc XHCN trước 1975 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử của nó. Nếu nhìn một cách sòng phẳng giữa bên đặt hàng và bên sản xuất thì thời kỳ nầy, giáo dục đã hoàn thành sứ mạng một cách tuyệt vời:- Hàng loạt những con người do nhà trường đưa ra đều cùng chung một suy nghĩ, chung một quyết tâm “ đi về hướng bom rơi”. Lúc nầy, được ra mặt trận, được dâng hiến cho lý tưởng độc lập dân tộc là mệnh lệnh của trái tim. Tất cả đều đập chung một nhịp. Khác đi là bị cả cộng đồng tẩy chay, người thân xa lánh...
Giáo dục hiện nay ra sao? Chúng ta tiến hành công việc “ tái tạo xã hội” trong những điều kiện rất thuận lợi, được rộng mở giao lưu với nền văn minh của cả nhân lọai, được nhìn thấy tận mắt những mặt mạnh và yếu của công nghệ các loại đang phát huy tác dụng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội( Có cái đóng học phí, có cái người ta cho không? ). Thế mà, nếu thử làm một phép điều tra xã hội học, hỏi một câu hỏi giản đơn” Sau nầy, vào đời các em sẽ là gì? Chắc chắn chúng ta sẽ được nghe câu trả lời quen thuộc: - Đi làm! Tất nhiên rồi, phải lao động chứ… Nhưng nếu hỏi làm ở đâu? Thì chúng ta sẽ giật mình! - Nếu có điều kiện (Cũng có thể bằng mọi giá) thì xin được làm ở các Cty có vốn đầu tư nước ngoài ! Hởi ơi! Buồn và lo sợ thật? Một đất nước, đi vào hội nhập với nhiều nguy cơ và áp lực mất/còn mà chèo chống nó chỉ là những tư tưởng làm thuê thì xin hỏi có đáng báo động không ??- Nếu những “Human” tương lai đều đồng thanh trả lời: sau khi học xong, tôi sẽ bằng mọi giá để trở thành 1 ông chủ thì hạnh phúc biết chừng nào. Có thể ban đầu chỉ là ông chủ nhỏ, nhưng dù sao vẫn là một suy nghĩ độc lập, một tinh thần dân tộc nối tiếp truyền thồng trong quá khứ . ( Không sợ nguy cơ bị đồng hóa)
Tôi tự hỏi:- Sức mạnh tinh thần truyền thống của dân Việt nằm ngủ ở đâu trong cái kho chứa quá lớn về các nội dung giáo dục? Hay tại Ông Thầy chưa đánh thức, khơi dậy trong quá trình dắt nhau đi về phía trước? Tại cái gì nữa? Tại Anh tại Ả, tại cả đôi đường!
Tôi chưa đi Tây, chỉ tiếp xúc qua thông tin mà biết được. Nghe nói, ở các nước văn minh, việc tạo ra tính tự lập cho con cái đã được các ông bố, bà mẹ chuẩn bị ngay từ nhỏ. Có thể hai cha con phải mua hai tờ Báo giống nhau để xem (Không có chuyện” Bố xem xong rồi cho con mượn đọc !) Tài sản Bố, Mẹ làm ra có thể sẽ hiến cho Giáo hội , phần cho con chỉ là số ít. Cứ thế đời nầy sang đời khác vẫn vậy. Không có chuyện Anh, Em kéo nhau ra tòa vì chia gia tài ! Chắc cũng không có chuyện “ Hy sinh đời Bố củng cố đời con ?…( Đừng ai hỏi ở đâu vậy? Tui tự nghe và tự “ chế “ ra đó??)
Liệu “ trường học thân thiện, học sinh tích cực, liệu với cách làm giáo dục như hiện nay'' , chúng ta có làm ra những chủ nhân tương lai của đất nước không khi mà xung quanh ta, các nước láng giềng đều đang có những chiến lược phát triển hoành tráng ??
Bác Huy Cận ơi, cho cháu mượn:
Một câu hỏi lớn không lời đáp
Cho đến bây giờ mặt vẫn chau
??

Thứ Hai, 5 tháng 10, 2009

NGÀY MỚI NỮA ĐÂY !

Sáng nay, trở lại bục giảng sau gần 2 tháng im hơi lặng tiếng. Một đợt tập trung bồi dưỡng mới bắt đầu, hơn 100 con người với vẻ rạng ngời, lạc quan ánh lên từ đôi mắt đã động viên mình rất nhiều…
Bài bản đã có sẳn, nhưng sao mình không bao giờ muốn nói cái gì đã chuẩn bị trước? Nó cũ kỹ quá, sáo mòn quá… Lấy một vị dụ của Châu Đại ca về cách vào bài của một cô giáo nọ giảng dạy bài phân số mà lòng buồn rười rượi ...
Mời cả giảng đường cùng tham gia bàn về một số vấn đề thời sự cho mọi người năng động hơn:
+ Đổi mới? - Chắc chắn rồi, phải đổi mới từ suy nghĩ,nội dung, cho tới phương pháp, từ chuyện dạy dỗ cho đến quản lý. - Có cái mới để mà đổi chưa? Chưa có! Như vậy phải đành phải chấp nhận sử dụng cái cũ thôi…( Buồn 2 phút)
+ Bàn về triết lý giáo dục? -Những chòi giáo dục, những nhà giáo dục thập chí cả những biệt thự giáo dục đang ngồi đây mà khi đề cập đến vấn đề nầy tất cả đều ú - ớ ( Chắc tại vấn đề ít người quan tâm và đưa lên thành chuyện lớn nên mọi người xa lạ với nó ?? Hay tại có chữ triết lý nghe cao xa quá nên không ai buồn nghĩ đến. Làm giáo dục “ăn đong” quen rồi nên mọi người quên hết … ( lại buồn 2 phút nữa)
+ Nhắc lại câu” giáo dục là tự đốt cháy mình để thắp sáng cho người khác Nghe sao ngượng quá. Thời đại “ Mì ăn liền”, mọi thứ đều có thể là hàng hóa, chuyện học trường nào, điểm số ra sao cũng có thể trao đổi được, liệu câu nói trên có còn ý nghĩa nữa không ( Lại buồn tí nữa )
Kỳ nầy chắc phải sắp xếp lên TP Ban Mê thuộc để ngồi uống café, nghe bài … em pleiku, má đỏ môi hồng …. mà cảm nhận nỗi buồn muôn thuỡ của dân cao nguyên quá ! ! Giải lao, bước ra khỏi giảng đường, mây trời xám xịt… Chắc sắp mưa nữa đây!