Thứ Tư, 30 tháng 12, 2009

HÃY CHO QUA


Anh Bình chữa lại cho mình cụm từ laissez passer đúng theo cách nói của dân Tây: ‘’Hãy cho qua" Người An Nam mình cũng có triết lý MACKENO ( Mặc kệ nó ), xem ra chữ nghĩa cũng có nhiều chuyện lắm bàn….
Buổi chiều, nhận được cú điện báo việc đi tham dự Hội nghị về giáo dục tương lai…tại Thành phố do Viện NCGD đăng cai tổ chức. Tại sao lại là mình ? Dự để nghe, để biết chớ có nói và làm được gì khi mà nhiều năm, mình ấp ủ bao nhiêu ý tưởng, có lúc cũng mạnh dạn đề xuất, nhưng tất cả đều laissez passer. Phải chi để cho ai đó có tầm, có quyền, có sức chi phối đi dự HN để về chí ít cũng gieo được hạt mầm ý tưởng ?
Sự đời, có những cái không bình thường đều mặc nhiên tồn tại, thậm chí cứ lắp đi lắp lại mà không ai phát hiện thấy có gì nghịch lý. Vậy đó, nó giống như con bướm vàng đậu trái mù u không ăn nhập gì với tiếng ru buồn của người con gái lấy chồng sớm phải quên đi cái thì xuân sắc mà chìm ngập trong cơ cực – nuôi con tới tới…!
Tôi có thói quen phát hiện cái không bình thường nằm chìm khuất trong cái bình thường. Để chi? –Cũng không biết để làm gì …? Thôi thì cứ để mà chơi vậy !

Mấy hôm nay, nghe mọi người nhắc lại câu ca dao :
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên mụ canh gà Thọ xương
( Câu nầy nhiều người biết và thuộc lắm đấy!)
Những ngày ở miền Bắc, tôi được mai mắn kết thân với một sư huynh vốn là người có nhiều đa mang với Hà Nội. Từng lao động XHCN đắp đường Thanh niên mà Anh ta gọi ngày xưa là đường Cổ Ngư. Tôi biết nhiều về Hà Nội, về những địa danh cũng qua con người nầy. Chúng tôi có thói quen bỏ Hội nghị để đi chơi, đi tranh thủ để có thể sẽ không còn dịp nào khác. Lang thang bên Hồ Tây nhiều ngày, được ăn bánh gai cột bằng những chiếc lạt tre nhuộm màu tim tím, không biết gói lúc nào mà bên trong đã ẩm mốc. Không sao! Cứ lau sạch là dùng, bao nhiêu thế hệ đã qua vẫn dùng. Thời ấy, bao cấp, thiếu thốn, khái niệm vệ sinh an toàn thực phẩm người ta chưa quen dùng. Tôi được thăm chùa Trấn Quốc, đền Quan Thánh, được biết con Sâm cầm, được ăn bún ốc Hồ Tây….
Anh bạn tôi giải thích, ngày xưa, xung quanh Hồ Tây là những làng nghề, dân cư sinh sống bằng những nghề truyền thống . Và Anh minh họa băng 4 câu:
Gió đưa cành trùc la đà
Tiếng chuông Trấn Võ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ
Trấn Võ là tên xưa của chùa Trấn Quốc, Thọ Xương là tên một ngôi làng ven Hồ Tây, Yên Thái cũng là tên một ngôi làng bên Hồ Tây có nghề làm giấy…
Bốn câu ca dao trên là cảm nhận của một nghệ nhân dân gian nào đó khi đứng bên Hồ Tây: Nghe tiếng chuông trong chùa, nghe nhịp chày giả bột giấy từ làng Yên Thái, nghe tiếng gà trưa từ bên miệt Thọ Xương….Trong không gian của một thời khắc: Thu – lạnh – sương lan tỏa trên mặt Hồ Tây …Anh bạn tôi đùa: - Hình như tác giả 4 câu ca dao trên cũng đứng chỗ nầy, (chỗ chúng tôi đứng) tức cảnh -sinh tình mà sáng tác 4 câu để đời như một viên ngọc lấp lánh miêu tả cảnh Hồ Tây...
Trở lại chuyện tréo ngoe ngôn ngữ,
Tiếng chuông Thiên mụ, canh gà Thọ Xương
Tôi có hỏi một anh bạn khác là dân Đại nội Huế chính thống, anh ta nói, ở Huế không có địa danh Thọ Xương! Như vậy, trong một văn cảnh mà gắn hai địa danh cách xa nhau gần 800 km thì quả thật là gượng ép quá !
Vậy đó! Sự đời có những cái tréo ngoe vẫn ngang nhiên tồn tại. Có sao đâu? Cứ cho qua ! cứ Mackeno! LAISSEZ PASSER mà !

Thứ Năm, 17 tháng 12, 2009

CUỘC SỐNG LÀ NGHỆ THUẬT BIẾT VẬN DỤNG NHỮNG KHẢ NĂNG


Lâu lâu, nghiệm lại ý tưởng nầy mới ngộ ra nhiều chuyện. Khả năng là cái có thể và cũng là cái không có thể thành hiện thực.Mấu chốt của vấn đề là ở chỗ vận dụng:
- Chiều qua, đội bóng đá Việt Nam thua 0-1, nhiều người bị “xí hụt”. Mình thì không! Lý do đơn giản… nghệ thuật vận dụng những khả năng mà! Sau một thất bại, người ta thường đưa ra nhiều lý do. Tuy nhiên, giả sử trận cầu chiều qua Việt Nam thắng… Bao nhiêu hệ lụy kéo theo…Nhiều người phá sản vì máu đỏ đen( cái nầy không sao, đáng đời vì tội mưu sinh trên những giọt mồ hôi của người khác ). Bệnh say men chiến thắng; cái nầy bất trị, nó làm cho con người ta “ không biết mình là ai…
- Cuộc sống là nghệ thuật biết vận dụng những khả năng. Có lúc, nhìn xung quanh thấy đâu đâu cũng là màu xám. Soát xét lại xem còn những gì để có thể làm công việc của anh thợ vẻ cải tạo cái màu vốn vô cảm đó không.Như vậy là vận dụng, là kiếm tìm. Mấy hôm nay, Báo Tuổi Trẻ và G.S Tương Lai cảnh báo về chuyện học sinh học trong các trườnng Quốc tế, lo cho tụi nhỏ mất gốc. đánh mất… toàn là những cảnh báo mang tầm chiến lược. MACKENO! được không ? Đưa vào nào là ý thức xã hội- tồn tại xã hội…rồi thì dzữ hơn nữa là bản sắc văn hóa dân tộc … Lớn quá . Ở phương Tây có triết lý “LAISSEZ PASSER” cứ để cho nó tự phát triển.Cứ cho nó qua đi .. Người Việt thường có thói quen nói chuyện người khác, hay quen nói chuyện Người mà ít nói chuyện Mình. Quen cách nghĩ áp đặt, thấy cái gì không vừa ý là cứ “ theo tui” “theo tôi” không cần tìm hiểu các cháu HỌC CÁI GÌ – HỌC NHƯ THẾ NÀO, sau khi học thu được cái gì và sự thu họach đó có cần cho mọi người hay không?…Bệnh áp đặt, ông Anh mình ở L.A gọi là “ sự đồng phục trong tư duy”. Thật hết chỗ nói, trong miền sâu kín của con người, cách nghĩ cũng phải theo …! Mà cũng có lý thôi: không nghĩ theo làm gì có chuyện nói theo, mà không nói theo thì làm sao có chuyện ăn theo… cuối cùng theo tất….

Thứ Tư, 2 tháng 12, 2009

ÔNG THIỆN VÀ ÔNG ÁC


Ở Việt Nam, các chùa Phật giáo thường có thờ hai bức tượng cỡ lớn. Dân gian thường gọi là ông Thiện, ông Ác. Hai ông cưỡi hai con kỳ lân lớn, ông cầm thanh long đao, ông cầm sổ sách, thân hình cao lớn, mắt phượng, mày ngài, oai phong lẫm liệt, ai nhìn vào cũng kính nể. Ông Thiện là ngài Hộ Pháp và ông Ác là ngài Tiêu Diện Đại Sĩ.
Thường thì tượng hai ông được đặt trong nhà Bái đường hay tiền đường, tư thế của hai ông thường chỉ hai tư thế là quay mặt ra ngoài hay hướng mắt vào nhau. Đặc điểm chung của hai ông:
- Bao giờ cũng được tạc rất to, có thể là to nhất trong các tượng trong chùa.
- Có thể đứng hoặc ngồi, có thể có con lân hay sư tử kèm theo, tay thường cầm binh khí hoặc sổ sách, tượng thường có những dải lụa xung quanh mình nhằm thể hiện sự thần thông nhưng cũng tạo tính mỹ thuật.
- Được làm bằng đất sét, giấy bồi, hoặc gỗ.
- Nhìn rất dễ phân biệt, ông Ác thì mặt đỏ, cầm binh khí, dáng dữ tợn, ông Thiện cầm sổ sách mặt trắng hoặc hồng, dáng hiền từ.
Thật ra có rất nhiều cách gọi tên hai ông này, bấy lâu nay dân gian vẫn quen gọi là “ông”, là “ngài”, có lúc gọi là ông Thiện, Ông Ác, nhưng cũng có nơi, có lúc gọi là hai vị Kim Cương, hai vị Hộ Pháp ...
Hai ông Thiện và Ác có nghĩa là khuyến thiện và trừng ác, nó phản ánh đại diện cho phần nào quyền lực của nhà Phật trong việc cứu vớt chúng sinh.
Có tích rằng, “ Thời thượng cổ, vua Tỳ Kheo có hai con trai là Tỳ Văn và Tỳ Võ. Tỳ Văn thì hiền lành, trái lại Tỳ Võ rất hung dữ.
Vua Tỳ Kheo rất hâm mộ đạo đức. Lúc ấy, Đức Nhiên Đăng Cổ Phật mở Phật giáo ở Ấn Độ, độ được vua Tỳ Kheo. Vua Tỳ Kheo lo lập chùa để tu niệm và muốn nhường ngôi lại cho con trưởng là Tỳ Văn hiền lành, nhưng lại sợ Tỳ Võ hung dữ không chịu.
Vua Tỳ Kheo lập kế, sai Tỳ Võ đi các trấn vỗ an bá tánh và đến Hàng Châu chiêu mộ anh tài. Nơi triều đình, vua Tỳ Kheo nhường ngôi cho Tỳ Văn, còn ông vào chùa tu niệm.
Khi Tỳ Võ hoàn thành nhiệm vụ, trở về triều, thấy anh mình là Tỳ Văn đã lên ngôi vua rồi. Tỳ Võ liền nói: “Anh hiền lắm, làm vua sao được, dân không sợ đâu. Anh hãy để ngai vàng lại cho tôi”. “Tôi dữ là dữ với kẻ hung ác bạo tàn vô đạo chớ không dữ với người đạo đức bao giờ”.
Tỳ Văn nghe em nói như vậy biết là Tỳ Võ muốn lên làm vua, sợ phải thất lời với vua cha, nên Tỳ Văn vội vàng cầm ngọc tỷ chạy lên chùa để báo cho vua cha sự việc. Nhưng khi Tỳ Văn chạy tới cửa chùa thì vấp té chết, linh hồn thoát xác đi lên cõi Trời.
Tỳ Võ đuổi theo tới nơi, thấy xác của anh mình nằm chết trước cửa chùa, cúi xuống lượm ngọc tỷ cầm lên, bất giác hối hận ăn năn, thấy con người khi chết không đem theo được gì cả, bao nhiêu tiền tài, danh vọng, quyền thế, đều bỏ lại cõi đời, linh hồn chỉ ra đi với hai tay trắng. Tỳ Võ thức tỉnh, quyết bỏ hết sự đời, theo vua cha tu niệm, cuối cùng thì đắc đạo”.


Lời bàn ,
Đó là chuyện xưa, truyền tụng trong dân gian…

-Dữ mà lên trời như Tỳ Võ thì cũng nên dữ ?
-Ngày nay, chúng ta lại thấy hai ông mới. Chức năng của hai ông này hoàn toàn khác hai ông Thiện, Ác. Một ông có khả năng cứu người và một ông có khả năng giết người. Đó là ông “cơ chế” và ông “các lực lượng thù địch”.
???????????????????????

Thứ Ba, 1 tháng 12, 2009

CHO & NHẬN




Hãy cho nhau niềm hạnh phúc ngọt- lành
Trong cuộc sống đơn sơ mà dễ hiễu
Cái thật gần đừng buốt giá thành băng
Làm đông cứng hạt mầm yêu để sống






( Một kỷ niệm đẹp tại trường THCS NGUYỄN DU Xã Tắc Vân -TP Cà Mau )




Nơi đây, địa chỉ ưom mầm, nơi đào tạo và cung cấp những Thầy- Cô dạy giỏi cho tòan TP Cà Mau. Là trường ngọai ô TP, nhưng được vào học trường nầy không phải dễ, phải “ chạy” và “ chen” mới được nhận vào nếu không phải học sinh nằm trong tuyến …



Thứ Tư, 18 tháng 11, 2009

21 GIỜ 45 PHÚT


Về tới nhà sau khi vượt qua bao nhiêu lời chèo kéo! “ – Dù sau nầy không còn học, em vẫn sẽ cố gắng theo học hết những trang cuối của Thầy…’’ ?? Thật không đấy ? Tôi đã “ nhận của đời bản sao thời khóa biểu/ Để đi lần từng bước đến hôm nay của Anh Cao Thọai Châu trao cho. Có cần như thế không nhỉ?? Dù sao vẫn là một bữa cơm ấm cúng trong quan hệ Thầy – Trò! Xin cám ơn các bạn lớp HT THCS khóa XXVI. Cám ơn các bạn Đãi, Lan, Phú ,Lệ ….

Thứ Ba, 17 tháng 11, 2009

VUI HAY BUỒN?


20 giờ tối qua, nhận 2 cú điện thọai! Nội dung đại lọai …’’ Thầy ơi, ngày mai lúc nào có ở nhà để bọn em đến thăm Thầy…’’ Cảm giác buồn nhiều hơn vui
- Vui! Vì còn có người nghĩ tới mình; Thăm thầy! nghe tình cảm quá….
- Buồn vì sự gặp mặt đã được ‘’ lập trình’’ sẳn. Có lẻ đã được sắp xếp trước từ một nhóm người. Cái buồn nhân đôi khi những người thăm nầy hiện còn đang theo học. Họ là lãnh đạo, chắc khi gặp cũng không thoát ra cái vẻ ‘’ quan chức’’ làm thủ tục…
Chuyện đời mà!... Thú thật, mình không biết trả lời ra sao? Nói không muốn gặp được không? – Hơi khó, gút mắc chỉ làm phức tạp hơn thôi…Gặp nhau để làm gì…? Những lời chúc như vang ra từ chiếc cattset, những nụ cười thủ tục…
…………………………………………………
Tôi vẫn để lại trong góc nhỏ sân nhà một khoảng tự nhiên, mặc cho cỏ dại và các lọai cây bé - lớn chen chút . Vườn hoang mà!. Đừng nhgĩ đây là cách biện hộ cho sự lười biếng của gia chủ… Có những khi, ngồi hàng giờ để quan sát chúng… có cái gì đó hay hay… trong cái ‘’tự phát’’ ấy đã có một sự dàn xếp khéo léo
Tình cảm, sự tôn trọng của thời nầy được trang điểm và khóat vào mình nhiều vỏ bọc quá…! Tội cho những đồng nghiệp trên các nẽo đường hiện đang gặp khó. Không biết thì thôi, lỡ quen nhau rồi, biết bạn gặp nhiều lận đận mà không chia được sao thấy mình hèn quá… Mình cũng đang gặp khó, hỏng lẻ chia cái khó nầy cho bạn…?
Thôi thì,
Hãy ép vào tim cành pensée tím, để cho lòng rộng mở đón bình minh.
Hãy giấu mãi lòng buồn trong ray rức để lối đi về kỹ niệm hóa ngùi thương
( Bùi ngùi- thương cảm)

Thứ Hai, 16 tháng 11, 2009

TỪ HAI CHỮ GIÁO VIÊN


Nhớ Hội văn nghệ Sông Hàn ngày xưa, không biết giờ nầy các Anh Tần Hoài Dạ Vũ, Phan văn Yêm, Lê Nghi,Huỳnh Tấn Phúc, Phạm Út, Nguyễn Bai, Đinh Lựu….…ra sao rồi hỉ?
Có tiếng nói, tiếng lòng, ( tiếng gì cũng được) của Anh LÊ NGHI dân’’ Quảng nem Đè nẻng” khi nhắc về nghề ‘’giáo’’

Em biết đấy cuộc đời nhà giáo
Rất đơn sơ tập giáo án gối đầu
Viên phấn trắng hướng cuộc đời bay bổng
Mực đỏ chấm bài là máu chảy từ tim

Nhớ những đêm sọan bài trắng bàn giáo án
Anh và em đã chung chọn một tình thương
Anh và em đã chung một con đường
Cho yêu thương ấm tình đồng chí ...

Đời nhà giáo ngọt ngào ý vị
Mãnh đất nào lúc tới cũng thành quê
Có yêu thương đón gọi ta về
Anh không xin?
Và em cũng không bao giờ hỏi ?
Ta hiểu nhau rồi từ hai chữ GIÁO VIÊN...

Sắp tới 20/11, một chút gì để nhớ- để quên về miền TRUNG, nơi có tiếng ‘’DẠ’’ ngọt ngào và tiếng ‘’MI’’ trìu mến dành cho những người rất thân…

Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2009

MỘT CÂU HỎI LỚN VỀ NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO CHO QUÊ HƯƠNG



HIỀN TÀI LÀ NGUYÊN KHÍ CỦA QUỐC GIA



Trước khi đề cập đến nội dung, xin mạn phép đặt ra các giới hạn trước để có cách nhìn nhận và định lượng, định tính thông tin cho chính xác hơn

- Thứ nhất : Đây là một vấn đề lớn, phạm vi khái quát và tầm nhìn ở cấp vĩ mô. Trường Cao đẳng Bến Tre chỉ mới là 01/16 cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh, chưa kể hơn 50 cơ sở dạy nghề tư nhân. Nguồn nhân lực thì chúng ta có thể đào tạo, còn nguồn nhân lực chất lượng cao ( nhân tài) thì chỉ có thể gọi là bồi dưỡng( Phát hiện- bồi dưỡng). Hơn nữa, các kết luận dự báo về thực trạng xưa nay ít nơi nào chịu làm, bản thân tôi cũng chưa nắm vấn đề nầy, vì vậy, xin được phép chỉ đưa ra những khuyến nghị chớ không nâng lên tầm giải pháp

- Thứ hai : Xin được đề xuất thay thế khái niệm “xây dựng”” trong chủ đề chung của Hội thảo, vì nói đến xây dựng là đề cập đến vấn đề đầu tư, đến việc tiến hành các bước từ gốc đến ngọn. Đội ngủ trí thức của chúng ta đang có và sẽ có xuất phát từ nhiều nguồn. Hơn nữa, công việc đầu tư, kể các quy họach, quản lý, phát triển trong thời gian qua, chúng ta chưa làm được gì nhiều, nên thay khái niệm “ xây dựng bằng khái niệm “ quản lý phát triển “ theo chủ quan cá nhân thì có vẻ ổn thỏa hơn. Gọi cả tên chủ đề của Hội thảo là “ Quản lý phát triển đội ngũ trí thức Bến tre thời kỳ 2010- 2020”


- Thứ ba : Xin được phép không nêu lại những vấn đề có tính lý luận, cũng không trình bày theo các trình tự của một bản tham luận, tôi chỉ xin nêu lên một số vấn đề chính gắn với thực trạng của tỉnh nhà , qua đó , nếu được, xin mời cả khán phòng cùng tranh luận để tìm ra những giải pháp khả thi trong việc “ Quản lý phát triển đội ngũ trí thức Bến tre thời kỳ 2010- 2020”

Xin phép được đi vào các ý chính
1. DẪN LUẬN
Theo quan niệm xuyên suốt của Đảng ta, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của mọi cuộc cách mạng. Sau đổi mới, Văn kiện Hội nghị TW6/khóa VII nêu rõ’’ Con người phát triển cao về trí tuệ, cường tráng về thể chất, phong phú về tinh thần , trong sáng về đạo đức là động lực xây dựng xã hội mới, đồng thời là mục tiêu của CNXH. Vì vậy, mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phải quán triệt việc chăm sóc, bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người. Nghị quyết TW2/ khóa VIII cũng nhấn mạnh ‘’… muốn tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa thắng lợi phải phát triển mạnh giáo dục và đào tạo, phát huy nguồn lực con người, yếu tố cơ bản của phát triển nhanh và bền vững
Vấn đề phát triển nguồn nhân lực, hay chính xác hơn là đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực không còn là việc riêng của ngành giáo dục mà hiện nay đang là sự quan tâm của tòan xã hội.

1. Nguồn nhân lực ( Human resoure)
Có nhiều khái niệm về nguồn nhân lực. Nhiều quan điểm thống nhất cho rằng nguồn nhân lực là dân số trong độ tuổi lao động, có khả năng lao động. Tùy theo mỗi nước, độ tuổi lao động có những quy định khác nhau . Phổ biến là 15 cho tối thiểu và tối đa là 60, có nước 65- 75. Đặc biệt ở Úc không giới hạn tuổi tối đa
Nguồn nhân lực, đặc biệt, chất lượng của nguồn nhân lực quyết định cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi quốc gia. Chất lượng nầy phụ thuộc vào sự đầu tư cho con người . Nguồn nhân lực chỉ có giá trị là động lực, là mục tiêu của sự phát triển kinh tế - xã hội khi và chỉ khi nó được đặt trong quỹ đạo phát triển và sử dụng (Sự phát huy hiệu lực)
Nguồn nhân lực xét ở hai khía cạnh: Cá thể và tập thể
Cá thể có hai mặt: Tự nhiên và xã hội. Như vậy, cá thể chỉ trở thanh nguồn nhân lực khi nó có khả năng lao động và phát huy hiệu quả trong một tập thể. Đạt được điều nầy, cá thể đó đã đóng góp cho sự phát triển xã hội
Cả hai mặt của cá thể ( Bản năng và ý thức) đều có sự đóng góp của giáo dục
Hiện nay, để đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa, việc đầu tiên phải nghĩ đến là đội ngũ những Thầy – cô giáo. Đây chính là cơ sở , là xuất phát điểm của quá trình đào tạo – bồi dưỡng nguồn nhân lực . Để làm tốt khâu nầy, cần nắm vững các đặc trưng mới của nền kinh tế tri thức:
Đó là,
- Khoa học công nghệ ngày càng mở ra nhiều lĩnh vực nghiên cứu rộng lớn
( công nghệ Nano, công nghệ logic, công nghệ không độc hại , công nghệ chân không …) Muốn nhập công nghệ mới thì phải đào tạo con người thích ứng với từng lọai công nghệ ấy. Công nghệ mới bao giờ cũng thể hiện được nhiều điểm ưu việt hơn công nghệ trước đó, ít công đọan hơn, tiêu tốn năng lượng ít hơn, chi phí ít hơn… nhưng luôn mang lại kết quả tốt hơn. Tư tưởng công nghệ luôn là đặc điểm bao trùm đối với họat động sản xuất tác nghiệp. Ngay cả trong giáo dục cũng đã có ‘’ công nghệ giáo dục’’

- Thông tin ngày nay rất lớn, ở thời điểm nấy, ai nắm được nhiều thông tin sẽ luôn giành được ưu thế trước. Dĩ nhiên, lợi thế so sánh luôn nằm trong tay họ. Nhà trường của chúng ta cũng vậy, phương châm ‘ dạy cái mà xã hội cần chớ không dạy cái đã có ‘’cần phái được quán triệt trong tất cả các khâu của quá trình đào tạo nguồn nhân lực
- Khẳng định nhân tố con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Như vậy, giáo dục là đòn bẩy cho sự phát triển, sự gắn bó giữa giáo dục với cuộc sống và lao động xã hội là sự gắn bó sống còn, gắn bó máu thịt

Trong số các nguồn lực cần thiết cho sự thành công của công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quyết định. Tuy nhiên, vai trò quyết định của nguồn nhân lực chất lượng cao chỉ trở thành hiện thực khi người lao động được đào tạo để có và phải có năng lực - phẩm chất cần thiết đáp ứng được những yêu cầu mà quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đặt ra hiện nay, kể cả tương lai. Nghị quyết Đại hội lần thứ 10 của Đảng nhấn mạnh: Đổi mới toàn diện hệ thống giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng những đòi hỏi cấp thiết của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
2. Nguồn nhân lực chất lượng cao
Năng lực trí tuệ của con người hiện nay biểu hiện ở khả năng áp dụng những thành tựu khoa học để sáng chế ra những kỹ thuật, công nghệ tiên tiến. Đó là khả năng biến tri thức thành kỹ năng lao động nghề nghiệp, nghĩa là, kỹ năng lao động giỏi thể hiện qua trình độ tay nghề, mức độ thành thạo chuyên môn nghề nghiệp,... Quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá càng đi vào chiều sâu càng đòi hỏi trình độ chuyên môn hoá ngày càng cao của đội ngũ lao động nhằm đạt được năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh lớn hơn nhiều lần.
Trong xu thế toàn cầu hoá nền kinh tế thế giới, người lao động còn phải biết chủ động hội nhập quốc tế. Khác với toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế là hành động chủ quan, có chủ đích của con người nhằm khai thác nguồn lực bên ngoài để tăng cường sức mạnh của đất nước mình. Hội nhập quốc tế cũng có nghĩa là chấp nhận cạnh tranh với thế giới bên ngoài; hoà nhập nhưng không hoà tan, vẫn bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc mình và nhất là bảo vệ được nền độc lập dân tộc. Trong điều kiện như vậy, người lao động ngoài bản lĩnh chính trị vững vàng, ý thức dân tộc cao, còn phải có trình độ trí tuệ ngang tầm đòi hỏi của thời đại, tối thiểu cũng là của khu vực. Điều này đòi hỏi phải cơ cấu lại đội ngũ lao động theo hướng có lực lượng nòng cốt, lực lượng dẫn đầu và nhân tài. Đây là một cơ cấu sắp xếp tất yếu trong phân công lao động xã hội hiện nay :
- Rõ ràng, lực lượng nòng cốt của đội ngũ lao động là những công nhân lành nghề – những người trực tiếp sản xuất hàng hoá và cung ứng dịch vụ cho người tiêu dùng cả ở trong nước và nước ngoài. Do đó, họ phải có một trình độ trí tuệ nhất định để tiếp thu và làm chủ được công nghệ tiên tiến. Hơn thế nữa, với những tri thức khoa học và những kinh nghiệm tích luỹ được trong quá trình sản xuất trực tiếp, người công nhân không những sử dụng các công cụ lao động hiện có, mà còn có thể sáng chế ra những tư liệu lao động mới, hoàn thiện kỹ thuật và phương pháp sản xuất. Lực lượng lao động dẫn đầu là đội ngũ trí thức. Với cơ cấu đồng bộ trong các lĩnh vực khoa học – công nghệ, quản lý kinh tế – xã hội, văn hoá - văn nghệ, ... Họ phải thành thạo chuyên môn, nghề nghiệp, có năng lực tiếp thu, chọn lọc và ứng dụng có hiệu quả những thành tựu của khoa học – công nghệ hiện đại, những tinh hoa của văn hoá, văn minh thế giới, những di sản văn hoá dân tộc và văn hoá phương Đông vào thực tiễn Việt Nam. Đồng thời, họ phải có năng lực sáng tạo về lý thuyết cũng như thực hành, nhằm giải quyết những vấn đề trước mắt cũng như lâu dài của đất nước. Đội ngũ trí thức phải thực hiện có hiệu quả các chức năng: nghiên cứu, thiết kế, tham mưu, sáng tác; thực hiện, thi hành, ứng dụng, phát triển; giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện; quản lý, chỉ huy, lãnh đạo, chỉ đạo... Bộ phận nhân tài có vai trò thực sự quan trọng trong đội ngũ lao động. Bộ phận này là hạt nhân có chất lượng cao, có năng lực khai phá những con đường mới mẻ trong nghiên cứu khoa học để đạt được những thành tựu mới, phục vụ công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Số lượng của đội ngũ này không nhất thiết phải đông, nhưng thực sự là đội ngũ các nhà khoa học đầu đàn, tiêu biểu cho tinh thần trí tuệ của dân tộc.
- Một yếu tố không thể thiếu đối với nguồn nhân lực chất lượng cao là sức khoẻ. Sức khoẻ ngày nay không chỉ được hiểu là tình trạng không có bệnh tật, mà còn là sự hoàn thiện về mặt thể chất lẫn tinh thần. Mọi người lao động, dù lao động cơ bắp hay lao động trí óc đều cần có sức vóc thể chất tốt để duy trì và phát triển trí tuệ, để chuyển tải tri thức vào hoạt động thực tiễn, biến tri thức thành sức mạnh vật chất. Hơn nữa cần phải có sự dẻo dai của hoạt động thần kinh, niềm tin và ý chí, khả năng vận động của trí lực trong những điều kiện khác nhau hết sức khó khăn và khắc nghiệt.
- Nền sản xuất công nghiệp còn đòi hỏi ở người lao động hàng loạt năng lực cần thiết như: có kỷ luật tự giác, biết tiết kiệm nguyên vật liệu và thời gian, có tinh thần trách nhiệm trong việc bảo dưỡng thiết bị máy móc, phương tiện sản xuất, có tinh thần hợp tác và tác phong lao động công nghiệp, lương tâm nghề nghiệp,..., nghĩa là phải có văn hoá lao động công nghiệp. Một trong những phẩm chất quan trọng nhất của văn hoá lao động công nghiệp là tinh thần trách nhiệm cao đối với chất lượng sản phẩm. Giờ đây, nền kinh tế hàng hoá với cơ chế thị trường đòi hỏi phải thay đổi kiểu quan hệ đó, tức là người tiêu dùng, chứ không phải người sản xuất, qui định mặt hàng và chất lượng hàng hoá, còn người sản xuất phải đáp ứng nhu cầu đó. Trong nền kinh tế thị trường, việc sản xuất hàng hoá chất lượng cao với giá cả hợp lý cũng đáp ứng lợi ích của chính người sản xuất. Tuy nhiên cũng chính trong nền kinh tế thị trường, dưới áp lực của lợi nhuận, của động cơ kiếm tiền bằng mọi cách, đã xuất hiện một hiện tượng tiêu cực mới, đó là nạn làm hàng giả. Tình trạng lẫn lộn trắng đen, thật giả trong thị trường hàng hoá ngày một tăng đã tác động hết sức xấu đến quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở nước ta. Trong khi chưa hạn chế, tiến tới chấm dứt nạn làm hàng giả, thì chưa thể nói đến một nền kinh tế thị trường cạnh tranh lành mạnh. Quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đòi hỏi người lao động thuộc mọi thành phần kinh tế phải có văn hoá lao động, vì chỉ có như vậy mới đáp ứng được lợi ích lâu dài của họ cả với tư cách là người sản xuất và người tiêu dùng, nhất là trong điều kiện hội nhập quốc tế.
Quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá còn đụng chạm đến các vấn đề phức tạp trong quan hệ giữa con người với thiên nhiên. Nó đòi hỏi người lao động phải có hiểu biết và trách nhiệm cao trong việc bảo vệ, cải thiện môi trường sinh thái vì sự phát triển bền vững, nói một cách ngắn gọn là phải có văn hoá sinh thái. Đây là vấn đề cấp bách, sống còn không chỉ đối với mỗi quốc gia – dân tộc mà còn đối với nền văn minh nhân loại. Vì vậy, bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn dân, bao gồm mọi lứa tuổi, song đối với người lao động trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phải được nâng lên thành văn hoá sinh thái. Khái niệm “văn hoá sinh thái” bao gồm cả quan điểm, nhận thức, thái độ, hành vi, lối sống, cách ứng xử đúng đắn của người lao động đối với tự nhiên; cả việc phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hậu quả của sản xuất công nghiệp gây ra; cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên, thích nghi với tự nhiên và đấu tranh chống lại việc tàn phá tự nhiên.
Trong quá trình thực hiện công nghiệp hoá - hiện đại hoá, người lao động còn phải có năng lực xử lý mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, giữa dân tộc và thời đại. Truyền thống được hiểu là: phức hợp những tư tưởng, tình cảm, những tập quán, thói quen, những phong tục, lối sống, cách ứng xử, ý chí, v.v. của một cộng đồng người đã hình thành trong lịch sử, đã trở nên ổn định và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Như vậy, truyền thống có cả mặt tích cực và tiêu cực dù muốn hay không vẫn để lại dấu ấn vào hiện tại, và ở mức độ nhất định, có thể còn ảnh hưởng đến sự vận động của tương lai. Sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đòi hỏi người lao động vừa biết kế thừa những giá trị truyền thống, vừa biết phát triển những giá trị đó lên tầm cao hơn, đồng thời tiếp thu những tinh hoa quý giá của văn minh nhân loại. Nếu không biết kết hợp truyền thống với cách tân để vượt lên, để hội nhập, để tìm mọi cách bước vào xã hội hiện đại thì tương lai chỉ là sự tụt hậu.
Nguồn nhân lực chất lượng cao của thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá phải là “những con người phát triển cả về trí lực và thể lực, cả về khả năng lao động, về tính tích cực chính trị – xã hội, về đạo đức, tình cảm trong sáng”. Việc xác lập các chuẩn mực, định hướng các giá trị xã hội để xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước là hết sức cần thiết. Chìa khóa vạn năng để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chính là phải nâng cao giáo dục toàn diện, đổi mới cơ cấu tổ chức, cơ chế quản lý, nội dung, phương pháp dạy và học; thực hiện "chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa", chấn hưng nền giáo dục Việt Nam.
Theo Chương trình phát triển của Liên hiệp quốc( UNDP) phát triển nguồn nhân lực có 5 nhân tố phát năng
- Giáo dục và đào tạo
- Sức khõe và dinh dưỡng
- Môi trường
- Việc làm
- Sự giãi phóng con người
Những nhân tố nầy gắn bó và tùy thộc lẫn vào nhau. Nhân tố giáo dục và đào tạo là cơ sở của tất cà các nhân tố khác
Phát triển nguồn nhân lực nhằm nâng cao cuộc sống, từ đó là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội

Phát triển nguồn nhân lực


Phát triển kinh tế- xã hội Nâng cao chất lượng cuộc sống

Đề cập đến vấn đề “ tài nguyên con người”, đến nội dung phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng các yêu cầu mà kinh tế - xã hội đặt ra, ai cũng đều thống nhất “… phải ưu tiên đầu tư cho giáo dục! – Việc nầy từ Trung ương đến cơ sở đều đã làm, đã có nhiều động thái tích cực và cụ thể trong các giải pháp đầu tư.

Vấn đề mà Hội thảo lần nầy cần chỉ ra là:
- Nguồn nhân lực hiện nay trong tỉnh sẽ vận hành ra sao dưới sự quản lý – phát triển bằng những kế họach khả thi trong điều kiện thực tế của tỉnh nhà ?
- Nguồn nhân lực chất lượng cao, con số nhỏ nhưng ở vị trí nòng cốt có đủ về lượng và mạnh về chất để gánh vác nhiệm vụ đầu tàu trước những thời cơ và thách thức trong xu thế hội nhập hay không ?
- Đội ngũ trí thức của Bến Tre có an tâm làm việc, có hăng hái sáng tạo để ngày càng làm ra nhiều giá trị gia tăng cho tỉnh nhà hay không? Sáng tạo là bệ phóng để nhảy vọt, đi tắt, đón đầu sự phát triển. Chúng ta rất cần những sản phẩm trí tuệ mang tính sáng tạo. Vì vậy, đối với nguồn nhân lực chất lượng cao cần phải có sự quan tâm đặc biệt
2. CÁC KHUYẾN NGHỊ VÀ GIẢI PHÁP ĐỀ XUẤT
2.1. Khuyến nghị
+ Địa phương cần có một bộ phận chuyên trách để tổ chức và tập hợp đội ngũ trí thức hiện có. Hiện nay, CLB nhân sĩ trí thức trong MTTQ Tỉnh, LHH tỉnh, các bộ phận chức năng trong Ban TCTU, Sở Nội vụ đều có nhiệm vụ liên hệ với đội ngũ trí thức của tỉnh nhà. Cần rà soát, củng cố lại để từ nơi nầy có thể tư vấn, đề xuất các chương trình, các giải pháp phát huy nội lực của đội ngũ trí thức kể cả việc lôi kéo, huy động các nguồn lực từ bên ngoài địa phương.
+ Cần lưu ý 5 nhân tố phát năng mà UNDP đã gợi ý. Đặc biệt, nên chú ý phần môi trường làm việc và các chính sách mang tính chất thu phục và lôi cuốn
2.2. Các giải pháp đề xuất
+ Công bố rộng rãi Chương trình Mekong 50 của tỉnh, Đề án 322, các Chủ trương đào tạo- bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao mà địa phương tranh thủ được như học bổng của các trường Đại học quốc tế dành cho Bến Tre trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua ngành giáo dục và bộ phận chuyên trách của Sở Nội vụ để tuyển chọn đúng- đủ- kịp thời, không để xãy ra tình trạng bế tắt trong khâu thực hiện.
+ Đẩy mạnh khâu tạo nguồn bằng kế hoặch đào tạo – bồi dưỡng ngoại ngữ. Trước mắt, nên huy động và liên kết tổ chức các lớp tiếng Anh theo hướng mở rộng và nâng cao.
+ Khai thác và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao
Nguồn nhân lực chất lượng cao sau khi được trang bị những kiến thức cần thiết cho ngành nghề cần phải được bố trí – sử dụng đúng với chuyên môn đào tạo. Năng suất và chất lượng của lao động nghề nghiệp chỉ và chỉ khi người lao động ấy làm đúng với phần việc chuyên môn của mình
Trong sử dụng cần lưu ý :
+ Môi trường làm việc
Lao động tác nghiệp trong các lĩnh vực có liên quan và chịu sự tác động bởi nhiều yếu tố:
- Môi trường chính sách: Gồm các chế độ đãi ngộ dành cho người lao động với tư cach là nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh các yêu cầu đúng, đủ, kịp thời, cần phải thể hiện bằng những ưu tiên với tính chất khích lệ; nó có thể khiến cho chủ thể toàn tâm, tòan ý vì công việc, ngược lại nó cũng có thể làm tắt dần ngọn lữa nhiệt tình, chôn sâu sự sáng tạo
- Môi trường vật lý: Trong thời đại thông tin, hội nhập và toàn cầu hóa như hiện nay, môi trường làm việc của con người có biên độ giới hạn rất lớn. Nó không chỉ dừng lại ở mức độ diện tích phòng làm việc, trang thiết bị, các công cụ trợ giúp hiện đại mà còn bao hàm một ý nghĩa lớn hơn. Đó là việc ứng dụng, khai thác hết tính năng - giá trị sự dụng của các trang thiết bị, các công cụ trợ giúp theo hướng hiệu quả nhất .
- Môi trường tâm lý: Sự thõai mái về tinh thần, bầu không khí tâm lý tập thể, sự tương quan về môi trườngvật chất , cảnh quan đều có những tác động đến việc hình thành bầu không khí tâm lý tập thể. Môi trường tâm lý tốt có một phần do sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý của các phần tử bên trong và bên ngoài hệ thống, là uy tín cá nhân, độ tin cậy của thông tin quản lý được xây dựng và hình thành trong tiến trình cộng tác với nhau
Xét cho cùng, khi môi trường vật lý chưa hòan thiện, môi trường chính sách còn nhiều bất cập thì môi trường tâm lý giữ một vai trò rất quan trọng
Có thể nội dung bản tham luận nầy chưa đi thẳng vào những vấn đề chính. Tuy nhiên, nguồn nhân lực chất lượng cao, có thể tạm hiễu là một tầng lớp người có khả năng làm việcchịu làm việc tại địa phương từ nay đến 2020 cần được đối xử như là một trí thức với hai mặt ưu và nhược mà lý luận đã tổng kết. Những vấn đề lãnh đạo, quản lý, khai thác và sử dụng đội ngũ nầy cần có một quyết sách mang tầm cỡ địa phương. Không khéo, chúng ta sẽ bõ qua nhiều cơ hội, lãng quên nhiều trường hợp và trên hết là chúng ta không ngăn được hiện tượng chảy máu chất xám như một số nơi đang gặp phải ……

Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2009

CHỜ SÁNG

Lại có chuyện nữa đây! – Đang dạy, LĐ trường gọi lên gấp và giao cho nội dung phải hòan thành một bản tham luận về vấn đề ‘’ Đào tạo – bồi dưỡng nguồn nhân lực cho tỉnh nhà giai đọan 2010- 2020. Giải pháp thực hiện’’
Yêu cầu hòan thành sớm để góp chung trong Hội thảo:”Xây dựng , phát triển đội ngũ trí thức Bến Tre thời kỳ 2010- 2020’’
Đầu tiên là tên gọi Hội thảo? ( Xây dựng, phát triển…) Khái niệm ‘’xây dựng’’ trong ngành xây dựng cơ bản là phải thiết kế và thi công từ nền mống, cừ cọc… rồi sau đó mới làm tiếp, có thể là Nhà , có thể là Biệt thự nhiều tầng…Đội ngũ trí thức của Bến Tre hiện nay được hình thành từ nhiều nguồn, hơn nữa, quá trình họ chuyển từ ‘’ngủ''sang ‘’thức’’ và ngược lại có được đầu tư từ ban đầu không ?? Gọi là xây dựng có ổn không??
Đụng đến việc ‘’ training’’ và ‘’cultivations’’ cho con người là lãnh địa khó đây! Khó không phải mình không có thông tin, không biết ‘’ CÁI’’ và ‘’ CÁCH” mà chính là vấn đề quá lớn, có quan hệ kéo theo, đụng chạm đến nhiều chính sách, đến cơ chế sử dụng, đến lối làm việc theo kiểu ’’ăn đong’’, đến những cái đầu chỉ quen làm theo sự vừa lòng của cấp trên…

Chủ thể đào tạo và bồi dưỡng là đội ngũ trí thức. Không phải đến bây giờ, người ta mới thấy tầm quan trọng của ‘’ kẻ sỉ’’ Đặt ra vấn đề phát triển nguồn nhân lực’’ để biết phải đối xử như thế nào với người tạo ra nó đúng là một mũi tên trúng hai cái đích… Cũng được thôi, mình sẽ hỏi Vương huynh nên làm thế nào đây. Thật ra, tham luận cũng như ‘’đá ném ao bèo’’, mình khoái tranh luận hơn. Có lẻ nên sắp ra những ý gợi mở để cho mọi người cải nhau chơi … Ở đâu cũng vậy, khi mà BÊN THI CÔNG và bên SỬ DỤNG chưa có ‘’Khế ước hợp đồng’’ chặt chẽ thì con thuyền giáo dục do những kẻ sỉ đưong thời chèo chống vẫn hát mãi bài ‘’ Thuyền và biển của Phan Huỳnh Điểu thôi ! Đổ hết cho giáo dục mà trong đó cụ thể là nhà trường thì ‘’ oan cho thảo dân’’ quá !

‘’ Lấy người thương mình hay lấy người mình thương’’? Làm sao để cho người ta thương mình? Ai chỉ ra được chỗ nào thương mình ? Có lẻ, nên đặt lại một vấn đề ‘’ vỡ lòng’’ về phương pháp luận thiết kế’’: Công việc cần con người hay con người đẻ ra công việc? Trí thức của Bến Tre, hay nguồn nhân lực của Bến Tre trả lời những vấn đề nầy? .. Dù sao mình cũng phải viết thôi, lại phải làm mất thời gian của Vương huynh nữa rồi ….!

Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2009

THẦY CỦA CON TRÒ CÓ ĐƯỢC GỌI LÀ ‘’THÁI THẦY’’ KHÔNG NHỈ?

`1111111111111111111111111111111111111111111111111111
Chữ nghĩa Việt có vô vàn cách lý giải. Có những chữ thân quen, gần gũi, có những chữ sâu xa lắng đọng. Chữ và nghĩa của tiếngViệt là kết quả đồng hành của quá trình Ông cha ta cọ xát với thực tế, sáng tạo ra. Có thể xem đây là quốc bảo, là di sản, là …( Là cái gì lớn lao, thiêng liêng, đa dạng, phong phú, ...)
Ngồi nghĩ đến công việc hằng ngày, tự dưng thấy có gì đó ngồ ngộ : Bình thường, người xung quanh gọi mình là Thầy ! Thực ra khái niệm Thầy là một danh xưng dùng để chỉ những ai có nghề và nghiệp trong ngành giáo dục.Tự hỏi bản thân mình có được xếp vào vị trí Thầy chưa ?. Trên lý lịch và bảng hiệu công chức đeo trước ngực ghi rõ : Giảng viên chính ( Hơn được giảng viên phụ và giảng viên ?) Giảng viên, dùng để chỉ những người đứng lớp ở cấp học cao đẳng trở lên đến sau đại học ) Giáo viên, dùng để chỉ những người đứng lớp ở bậc Mầm non, phổ thông và trung học chuyên nghiệp. Giảng theo nghĩa « đùi » là rao giảng, là trình bày, là gợi ý là đưa ra vấn đề... thậm chí, trong một chừng mức nào đó, những điều đưa ra của giảng viên chỉ là ở mức khởi đầu. Cấp học cao, nội dung và phương pháp trình bày phải mang tính đặc thù như trên để người học tự tìm đến những kiến thức mà mình cần( Kiến thức nầy thật sự là của họ, chớ không phải của ông Thầy trao cho ) ? Giáo thì có khác hơn, trong trình bày vấn đề có yêu cầu định hướng dạy dỗ rõ nét. Giáo là phải dạy ! Mục tiêu của giáo là những phạm trù mang tính chất định tính được vạch ra trong từng mục tiêu cấp học. Giáo dục, giáo huấn từ xưa đến nay đã cõng trên vai sứ mệnh nầy. Như vậy( Có thể quy kết) lao động phức tạp của giáo viên nặng hơn giảng viên không ??
Trong thứ bậc của học hàm ở Việt Nam có hai chức danh : Phó giáo sư và giáo sư . Phó giáo sư hay giáo sư là hai danh hiệu Nhà nước phong cho những người trong quá trình là Thầy đã có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp’’ trồng người ‘’ Giảng viên chính, gọi là thợ dạy đã qua chọn lọc, thi cử mà nên, được xếp cùng bậc lương với phó giáo sư có vô tình hạ thấp danh vị của người Thầy giáo cấp cao không ??
Tôi có người Cha, những năm 50, đậu trung học đệ nhất cấp, cuộc đời dong ruỗi không biết thế nào Ông xin vào một chân dạy học tại tỉnh Trà Vinh. Bước khởi đầu, ngạch bậc chỉ là ‘’giảng tập viên’’. Nội chức danh thôi cũng đủ thấy ngày xưa, ngành giáo dục chọn lựa người rất thận trọng. Hơn 30 năm sau, Ông về nghỉ với chức danh giáo viên tiểu học thượng hạng/ hạng ngạch I ( Hạng III, hạng II rồi mới tới hạng I). Lần lại dấu chân của người xưa, qua những nơi Ông đã dạy, tôi vẫn gặp lại những con người đã hơn 60, một ít nhỏ hơn đều nhắc về Thầy mình với lòng tôn kính. Ngày giỗ- chạp, thỉnh thoảng vẫn có một vài Bác học trò cũ tới viếng. Công việc của Thầy giáo xưa, -. Một mệnh đề tuy đơn giản nhưng mà làm được.
Bi giờ, cũng thông qua dạy chữ để dạy người. Cũng truyên truyền rao giảng những bài luân lý, đạo đức của người xưa nhưng cái đạt được sao mù khơi quá ? Có lẻ, con người hôm nay đang có quá nhiều cơ hội, đang đứng trước nhiều sự lựa chọn ??
Gần đây, bổng thấy mình đã sắp tới hồi ‘’hết vai trò ‘’. Có thể đã già cổi rồi. Số là vài năm gần đây, vào lớp, trong mối quan hệ với học viên, mình nhận ra những đứa con của học viên cũ của mình (Tôi không bao giờ gọi những người từng học trong lớp của mình là học trò cả, chỉ gọi là học viên vì họ đều là những người có tuổi, họ đi học vì ngày trước chưa có điều kiện được học). -Trước đây Cha / Mẹ em học Thầy, bây giờ em cũng học Thầy ? Tiếng Thầy mộc mạc, khô khan mà gần gũi. - Như vậy là Thầy mai mắn lắm đó , được dạy cho cả một nhà thì tuyệt chứ sao !- Nói như vậy nhưng lòng buồn vô hạn. Mấy năm qua, mình có được tiếp sức đủ để không nói lặp lại những điều đã nói với Cha/Mẹ của các em kia không? Thế hệ sau phải cao hơn thế hệ trước, mình vẫn một phong cách cũ (Dù có chuyên nghiệp hơn) thử hỏi buồn không nhỉ ?- Phải chi mình lúc nào cũng như Trương Tam Phong, lúc nào cũng có chiêu thức mới là luôn ở vị trí ‘’ tuyệt chiêu’’ để cho những thế hệ Trương Vô Kỵ luôn gọi là Thái sư phụ thì hay biết mấy ? Vòng đời lẫn quẫn, dù sao mình cũng mới chỉ là giảng viên ( dù có chính) Người ta chắc dễ tha tội cho những giảng viên hơn những Ông Thầy đó chứ ? GIÁO SƯ- PHÓ GIÁO SƯ (Thua GS một chút về công đức ) THẦY GIÁO- GIẢNG VIÊN – THỢ DẠY ... ( Có ai minh mẫn, xếp lọai theo thứ tự từ cao xuống thấp giùm tôi. Không biết đằng sau THỢ DẠY là những ai ?

Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2009

ĐOẠN TRƯỜNG TÂN AN

Giáo dục, sự tái tạo xã hội nếu nhìn ở góc độ chức năng. “ Non sông Việt Nam … có trở nên vẽ vang hay không là do ở sự học tập của thế hệ trẻ hôm nay. Thế nhưng, học cái gì? học như thế nào? Hoàn toàn phụ thuộc vào sự thiết kế của người làm giáo dục hôm nay. Học là điều kiện tồn tại của dạy. Phải xem người học cần gì, từ đó định ra nội dung và cách dạy. Lý thuyết là như vậy ai cũng nói được nhưng khi làm thì khác. Bấy lâu nay, chúng ta bơm vào giáo dục quá nhiều quan điểm, đặt ra nhiều yêu cầu cách tân thông qua những lần cải cách giáo dục.. kết quả được những gì?
- Được nhiều thứ đó chứ! Được thay đổi mẫu tự chữ cái (e) mở đầu trong bảng chữ cái thay vì (a) như các nước tiên tiến hay dùng. Được thay lòng tự trọng của người Thầy bằng cách phải “ làm theo” yêu cầu của quy chế một cách cứng nhắc. Bi giờ, có ai cắc cớ hỏi, lòng tự trọng của người Thầy đi lạc ở đâu chắc không biết đường đâu mà tìm… Người Thầy trong tâm cảm của người Việt được thay dần bằng khái niệm “ thợ dạy”. Người “ gieo chữ cho đời” được thay thế bằng cụm từ “ cán bộ giáo dục” Nghe mọi người vinh danh là “ cán bộ giáo dục” tưởng như lớn lắm, rộng lắm .. Ừ! Lớn thiệt đó chứ! Có khi còn hoành tráng nữa là khác ?
- Ngày xưa, trò xưng “ con “ với Thầy, khoảng cách giữa Thầy và trò nghiêm trang, kính cẩn. Hình ảnh người Thầy trong mắt của trò là điều gì đó rất thiêng liêng..
- Ngày nay, cách tân, khoảng cách giữa Thầy trò rất gần gũi, trò có thể đặt ra yêu cầu với Thầy, có thể ra giá, có thể mời Thầy đi ăn, uống, nhảy nhót?? Thầy không còn cái quyền nhận xét, đánh giá học trò của mình theo cái khách quan ( Tất cả vì học sinh thân yêu mà?) Làm anh “ thợ dạy” có những cái hay của nó. Được hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, được học sinh cảm tạ vì được chỉ dẫn tận tình để vươn lên bậc cao trong nấc thang điểm số…
- Chủ nhật vừa rồi, ngồi với Ông Anh là một nhà giáo đã về hưu, được nghe một chuyện “ Đoạn trường Tân An! ( Có thật 100%)
- Số là khi còn đứng lớp, một bữa nọ, Anh mình được cử trong đoàn dự giờ các tiết dạy của đồng nghiệp (Công việc nầy thuộc về quy định mà!) Ngồi trong Văn phòng, Anh thấy một cô giáo trẻ xách một chiếc lồng chim thật đẹp đi ngang. Thắc mắc? Rà soát lại, hôm nay theo lịch dự giờ đâu có tiết nào thuộc môn Sinh vật ?? Thế rồi việc gì đến vẫn phải đến. Anh vào dự giờ đúng ngay lớp của giáo trẻ kia.
- Sau khi làm hết các thao tác kiểm tra bài cũ, đến mục giảng bài mới, cô giáo trịnh trọng đưa chiếc lồng chim lên cao và hỏi” các em biết đây là gì không?” Học sinh đồng thanh trả lời” Thưa cô đó là cái lồng chim” Cô giáo khen giỏi-giỏi (Không biết cô khen cái gì?), tiếp, - Thế trong lồng nhốt cái gì các em ? Lại cũng đồng thanh “ Thưa cô đó là con chim! – Giỏi/ giỏi … Các em biết đây là con chim gì không nào? .. Thưa cô là con chim sáo! Quá giỏi, các em thiệt giỏi! (Cô giáo khen nức nỡ). Đúng, đây là con chim sáo, như vậy hôm nay cô sẽ dạy cho các em bài học về Võ Thị Sáu!
Ông bạn già của tôi kể đến đây mà đôi môi còn run run dù chuyện nầy đã qua lâu rồi ! Cời ơi Cời! xin được đặt lại chuyện nầy với tên là “ Đoạn trường Tân An”? Những mẫu chuyện tương tự như trên chắc diễn ra không ít trong các ngôi trường trên đất nước nầy!

Hỡi những người muôn năm cũ, hồn bây giờ ở đâu? Có nghe không?
Rồi mai đây biết ai còn có nhớ
Hay quên đi như bụi phấn ngày xưa
Có một thời giọng Thầy vang ở đó
Còn gì không hay không một âm thừa?

Thôi bõ đó, từng giờ chơi giờ học
Tiếng trống ban mai, áo trắng ngập ngừng
Lối cát buồn chợt nức nỡ bâng khuâng
Thầy cúi xuống nghe lòng mình nặng trĩu

( Nặng hay nhẹ đây hỡi những người muôn năm cũ?)

Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2009

’Lo bò trắng răng…!’’

Mình viết ra những ý tưởng nầy có lớn quá không ? Việc quốc gia đại sự chắc nên để cho những nhà hoặch định chính sách, phận thấp hèn, làm được gì mà cay đắng kiểu ‘’lo bò trắng răng…!’’ Mấy hôm nay, do phải làm việc, phải nói, phải mỗ xẻ, phải phân tích cụm từ mục tiêu giáo dục : Nhiều mĩ từ quá, mục đích, trạng thái mong muốn mà con thuyền giáo dục phải cập bến được vẽ ra quá tốt ! (Chuyện chữ nghĩa nói hoài chán lắm, bản thân mình cũng không khoái chuyện sính chữ..)
Nhân có dịp trao đổi với vài bạn hiền, mình cảm thấy… hình như ta đang đi trên con đường???- Phải không? – Với cách làm giáo dục (Nội dung và phương pháp, kể cả liên quan với cách đánh giá ) như hiện nay, chúng ta có đáp ứng được đơn đặt hàng của xã hội hay không nhỉ ?
Mục tiêu giáo dục nhìn ở góc độ nhân cách là tri thức- kỹ năng- thái độ, cái mà ta hay nói với nhau là thông qua dạy chữ để dạy người
Nầy nhé, cứ lần theo từng bước đi của lịch sử:
Giáo dục phong kiến đã cho ra lò những kẻ sĩ, thuộc làu làu tất cả các giáo lý mà thánh hiền để lại. Phong kiến là thứ bậc, là tôn tri trật tự, người có học trong thời nầy đã làm được cái việc mà chủ thể của xã hội đó yêu cầu, đã bảo vệ được ( trong một giai đoạn) quyền lợi và địa vị thống trị của nó..

Nền giáo dục cách mạng, đặc biệt là giáo dục của miền Bắc XHCN trước 1975 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử của nó. Nếu nhìn một cách sòng phẳng giữa bên đặt hàng và bên sản xuất thì thời kỳ nầy, giáo dục đã hoàn thành sứ mạng một cách tuyệt vời:- Hàng loạt những con người do nhà trường đưa ra đều cùng chung một suy nghĩ, chung một quyết tâm “ đi về hướng bom rơi”. Lúc nầy, được ra mặt trận, được dâng hiến cho lý tưởng độc lập dân tộc là mệnh lệnh của trái tim. Tất cả đều đập chung một nhịp. Khác đi là bị cả cộng đồng tẩy chay, người thân xa lánh...
Giáo dục hiện nay ra sao? Chúng ta tiến hành công việc “ tái tạo xã hội” trong những điều kiện rất thuận lợi, được rộng mở giao lưu với nền văn minh của cả nhân lọai, được nhìn thấy tận mắt những mặt mạnh và yếu của công nghệ các loại đang phát huy tác dụng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội( Có cái đóng học phí, có cái người ta cho không? ). Thế mà, nếu thử làm một phép điều tra xã hội học, hỏi một câu hỏi giản đơn” Sau nầy, vào đời các em sẽ là gì? Chắc chắn chúng ta sẽ được nghe câu trả lời quen thuộc: - Đi làm! Tất nhiên rồi, phải lao động chứ… Nhưng nếu hỏi làm ở đâu? Thì chúng ta sẽ giật mình! - Nếu có điều kiện (Cũng có thể bằng mọi giá) thì xin được làm ở các Cty có vốn đầu tư nước ngoài ! Hởi ơi! Buồn và lo sợ thật? Một đất nước, đi vào hội nhập với nhiều nguy cơ và áp lực mất/còn mà chèo chống nó chỉ là những tư tưởng làm thuê thì xin hỏi có đáng báo động không ??- Nếu những “Human” tương lai đều đồng thanh trả lời: sau khi học xong, tôi sẽ bằng mọi giá để trở thành 1 ông chủ thì hạnh phúc biết chừng nào. Có thể ban đầu chỉ là ông chủ nhỏ, nhưng dù sao vẫn là một suy nghĩ độc lập, một tinh thần dân tộc nối tiếp truyền thồng trong quá khứ . ( Không sợ nguy cơ bị đồng hóa)
Tôi tự hỏi:- Sức mạnh tinh thần truyền thống của dân Việt nằm ngủ ở đâu trong cái kho chứa quá lớn về các nội dung giáo dục? Hay tại Ông Thầy chưa đánh thức, khơi dậy trong quá trình dắt nhau đi về phía trước? Tại cái gì nữa? Tại Anh tại Ả, tại cả đôi đường!
Tôi chưa đi Tây, chỉ tiếp xúc qua thông tin mà biết được. Nghe nói, ở các nước văn minh, việc tạo ra tính tự lập cho con cái đã được các ông bố, bà mẹ chuẩn bị ngay từ nhỏ. Có thể hai cha con phải mua hai tờ Báo giống nhau để xem (Không có chuyện” Bố xem xong rồi cho con mượn đọc !) Tài sản Bố, Mẹ làm ra có thể sẽ hiến cho Giáo hội , phần cho con chỉ là số ít. Cứ thế đời nầy sang đời khác vẫn vậy. Không có chuyện Anh, Em kéo nhau ra tòa vì chia gia tài ! Chắc cũng không có chuyện “ Hy sinh đời Bố củng cố đời con ?…( Đừng ai hỏi ở đâu vậy? Tui tự nghe và tự “ chế “ ra đó??)
Liệu “ trường học thân thiện, học sinh tích cực, liệu với cách làm giáo dục như hiện nay'' , chúng ta có làm ra những chủ nhân tương lai của đất nước không khi mà xung quanh ta, các nước láng giềng đều đang có những chiến lược phát triển hoành tráng ??
Bác Huy Cận ơi, cho cháu mượn:
Một câu hỏi lớn không lời đáp
Cho đến bây giờ mặt vẫn chau
??

Thứ Hai, 5 tháng 10, 2009

NGÀY MỚI NỮA ĐÂY !

Sáng nay, trở lại bục giảng sau gần 2 tháng im hơi lặng tiếng. Một đợt tập trung bồi dưỡng mới bắt đầu, hơn 100 con người với vẻ rạng ngời, lạc quan ánh lên từ đôi mắt đã động viên mình rất nhiều…
Bài bản đã có sẳn, nhưng sao mình không bao giờ muốn nói cái gì đã chuẩn bị trước? Nó cũ kỹ quá, sáo mòn quá… Lấy một vị dụ của Châu Đại ca về cách vào bài của một cô giáo nọ giảng dạy bài phân số mà lòng buồn rười rượi ...
Mời cả giảng đường cùng tham gia bàn về một số vấn đề thời sự cho mọi người năng động hơn:
+ Đổi mới? - Chắc chắn rồi, phải đổi mới từ suy nghĩ,nội dung, cho tới phương pháp, từ chuyện dạy dỗ cho đến quản lý. - Có cái mới để mà đổi chưa? Chưa có! Như vậy phải đành phải chấp nhận sử dụng cái cũ thôi…( Buồn 2 phút)
+ Bàn về triết lý giáo dục? -Những chòi giáo dục, những nhà giáo dục thập chí cả những biệt thự giáo dục đang ngồi đây mà khi đề cập đến vấn đề nầy tất cả đều ú - ớ ( Chắc tại vấn đề ít người quan tâm và đưa lên thành chuyện lớn nên mọi người xa lạ với nó ?? Hay tại có chữ triết lý nghe cao xa quá nên không ai buồn nghĩ đến. Làm giáo dục “ăn đong” quen rồi nên mọi người quên hết … ( lại buồn 2 phút nữa)
+ Nhắc lại câu” giáo dục là tự đốt cháy mình để thắp sáng cho người khác Nghe sao ngượng quá. Thời đại “ Mì ăn liền”, mọi thứ đều có thể là hàng hóa, chuyện học trường nào, điểm số ra sao cũng có thể trao đổi được, liệu câu nói trên có còn ý nghĩa nữa không ( Lại buồn tí nữa )
Kỳ nầy chắc phải sắp xếp lên TP Ban Mê thuộc để ngồi uống café, nghe bài … em pleiku, má đỏ môi hồng …. mà cảm nhận nỗi buồn muôn thuỡ của dân cao nguyên quá ! ! Giải lao, bước ra khỏi giảng đường, mây trời xám xịt… Chắc sắp mưa nữa đây!

Thứ Ba, 29 tháng 9, 2009

TIẾNG ĐÊM


Đêm nằm nghe tiếng con đò lẻ bạn
Vẫn đi về không ngủ lẫn trong sương
Ở nơi ấy, tiếng lòng thương nhớ lắm
Một miền quê, tôi vẫn muốn đi về

Tôi mang theo những âm thanh quen thuộc đi trong cõi đời nầy mà mỗi khi nghe lại, lòng trĩu nặng, cái cảm giác bâng khuâng, thương nhớ đến nao lòng… Lúc ấy, những ngày tháng đã đi qua trong quá khứ bổng hiện về trong sự hoài tiếc không nguôi …
Ngày ấy, vào những năm 67- 68, nhà tôi ở gần đường cái, đọan đường từ Bình Đức về Chợ Vòng Nhỏ- Mỹ Tho. Cứ vào khoảng 2 – 3 giờ sáng, tôi lại nghe tiếng xe Lam quen thuộc. Khoảng 10 phút có một chuyến. Đây là những chuyến xe chở hàng hóa của người ngoại thành vào Chợ Mỹ Tho. . Tôi không để tâm trên những chuyến xe đó chỡ ai và chỡ những thứ gì, chỉ nhận ra những âm thanh nặng nề gầm rú của những chiếc xe cũ kỹ gồng mình mang theo bao thứ trên đời để cho kịp buổi chợ sáng mai. Thứ âm thanh ngày xưa không có gì đáng nhớ, chỉ ngấm dần trong giấc ngủ chập chờn của cậu con trai mới lớn. Bây giờ, đâu còn xe Lam! Bây giờ đâu còn thứ âm thanh đã ở một góc nhỏ nào đó trong tâm hồn tôi, nuôi tôi, giục tôi và theo tôi lớn lên qua mỗi chặng đường. Bổng dưng, thèm được nghe tiếng xe Lam chở hàng rên xiết nặng nề trong đêm vắng quá …


Không biết tự bao giờ, tiếng ghe máy đi trong đêm đã ăn sâu vào tâm thức của tôi? Cũng ngày ấy… những tháng ngày của thập niên 60 thế kỷ trước, những ngày làm anh nông dân bất đắc dĩ sau 75, có những lúc ngồi một mình trong đêm vắng chờ cất Vó, nhiều đêm, rất nhiều đêm, tôi đã đi về cùng những chiếc ghe thương hồ bằng việc theo dõi âm thanh xa gần của nó. Trong đêm, mọi vật đều im lìm, chỉ có tiếng gió lật dậy những tàu lá dừa đang ngủ và những âm thanh xa gần từ những chuyến đi về của ghe máy trên sông . Tiếng bình- bịch xa gần, những âm thanh không hiễu tự bao giờ đã đi vào lòng, đã ăn vào gốc rễ trong tận trái tim tôi. Bây giờ sống ở đô thành, thỉnh thoảng, trong những đêm trời lặng gió… nghe xa xa tiếng được tiếng mất, âm thanh của những con đò lẻ bạn đi về trên sông… Sao mà nhớ da diết quá; nhớ ngày xưa, nhớ con sông, nhớ cái bến nước, nhớ những cây bần làm cột mốc để tôi đo thời gian, tính khoảng cách sau mổi chuyến đi về. Nhớ những tháng ngày gần như đầu óc không cần lo toan nghĩ ngợi gì cả. Ngày xưa bình dị và trong trẻo quá ! Lòng chợt hỏi:
- Không biềt sau nầy, mấy em nhỏ, thế hệ của con tôi có còn nặng lòng với sông nước không nhỉ? Có còn thèm được ăn trái bần chua không thể tưởng nhưng vẫn ăn được một cách ngon lành như tuổi thơ tôi ngày ấy chăng? Có cảm nhận hết hiện tượng những con đom đóm không chịu ở riêng lẻ mà chỉ gom lại trên một cây bần để tạo nên những đóm sáng kỳ diệu làm cho con người phải miên man suy nghĩ và thốt lên lạ thiệt?


- Bìm bịp kêu nước lớn …. Tiếng bìm bịp kêu sao mà buồn quá! Theo con nước lớn- ròng tiếng bìm bịp cũng đã đi vào lòng tôi như một chất đinh dưỡng cần thiết. Ai đã từng có những buổi chiều tắt nắng trên sông khi cuộc hành trình chưa tới bến, nghe tiếng bìm bịp kêu như thúc giục hãy về nhanh để được ngồi bên bữa cơm đạm bạc mới thấy hết nỗi trống vắng và cảm giác nhỏ nhoi, cô đơn đến chừng nào ? Bìm bịp kêu buồn lắm, nhưng nó vẫn vang lên trong vòng đời quanh quẩn nầy. Hãy chú ý, những âm thanh sau cùng của tiếng bìm bịp, nó nhặt dần, nó hối thúc, nó nhỏ dần, nhỏ dần và tan ra, tan ra trong cõi vô thường. Tiếng chuông chùa vẫn vậy, đằng sau âm thanh nghe được đó vẫn là âm thanh, của sự lan tõa và tan biến, âm thanh của chiêm nghiệm . Có phải không, đó là âm thanh của sự tỉnh/thức ? Lâu lâu, tôi vẫn muốn được nghe tiếng bịp bịp kêu nước lớn. Bìm bịp kêu buồn quá nhưng vẫn muốn nghe. Lại lo sợ, lo giống chim nầy sẽ bị tuyệt chủng vì sự săn bắt của con người? Lại buồn tiếp …

Sông vẫn trôi, trôi
Dòng đời cũng trôi
Lòng người, ở lại
Sông nước, bến đợi
Còn ta là người lỗi hẹn chuyến đi về …!

Thứ Tư, 23 tháng 9, 2009

Người xưa nghĩ

Tương cố bất tương kiến
Thanh thanh mạch thượng tang
Mạch thượng tang
Mạch thượng tang
ĐTC khi viết những câu trên có ngờ rằng ĐTĐ đã gom hết những nỗi lòng của chinh phụ trên thế gian nầy để trãi dài theo từng bước Anh đi không nhỉ??

Thứ Ba, 8 tháng 9, 2009

THƯ GIẢN

Nói chuyện buồn hoài đâm ra nặng nề và chắc không khéo bị “ phạm thuốc” chết mất! Có một bài thơ được lưu truyền trong giới học trò (Có lúc mình cũng là học trò mà!), không biết tác giả là ai? Quynh nào biết TG xin bổ khuyết giùm cho đệ.
- Đây, trong khung cảnh của một buổi chiều tắt nắng, bên bờ hồ Trúc Giang( Hồ nào cũng được), có một cặp tình nhân trẻ đang yêu… Ngồi hoài, thời gian chết nhiều quá, cả hai không biết nói với nhau điều gì .Sự lặng im đã đến mức không còn thi vị nữa … Đột nhiên cô gái chủ động phá tan bầu không khí nặng nề ấy : (Phàm, xưa nay phái nữ thường tấn công trước mà ??)
Ngây thơ em hỏi anh
Mặt hồ sao có sóng?

Anh hửng hờ đáp lại
Tại gió cứ hôn hồ

Em ứ - ừ nủng nịu
Không phải thế đâu cơ !
Sao chúng mình vẫn vậy
Mà có thấy sóng đâu …


Thứ Hai, 7 tháng 9, 2009

NGHỀ PHỤC HỒI TIM

Ai nói không nhớ, chỉ nhớ :” Người ta có thể ăn nửa trái tim để sống, nhưng không thể sống bằng nửa trái tim.”. Hiện nay, bệnh tim hay “có vấn đề” về tim là một vấn nạn của con người trong xã hội hiện đại. Theo một con số thống kê( không có đối chứng) 4/3 con người trên thế giới đang có vấn đề về tim. Cũng theo khuyến cáo của ngành Y thì bệnh tim không có thuốc chữa, người ta có thể chặn đứng sự phát triển theo chiều hướng xấu của bệnh về tim chứ không trị được bệnh tim…
Theo cách gọi của Y lý phương Đông thi ngũ tạng có : Tâm, cang, tỳ, phế thận )Tim là tâm, mà tâm theo nghĩa rộng ra hơn nó là vô số chuyện, nghĩa đen lẫn nghĩa bóng
ND nói “ Thiện căn bởi tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài

Cứ theo đà nầy thì “ ai có vấn đề về tim tất phải đến những dịch vụ chuyên lo về tim. Trị bệnh tim theo góc độ sinh học thì không có gì để bàn, cứ “còn nước còn tát.( Hết nước vẫn tát luôn ) Có điều, đi tìm nửa trái tim bị lạc để hoàn thiện nó thì hơi bị khó. Nên chăng, trong những ngành phục vụ con người trong xã hội tương lai nên có thêm nghề “ Bù đắp nửa trái tim bị đi lạc “ ?? Gọi theo cách thông thường là PHỤC HỒI TIM ( Giống như phục hồi bình xăng con xe gắn máy vậy.) Đây là một chuyên ngành mới ( Có thể chỉ do ước muốn của một ít người …) Lạ thiệt! có người vẫn sống bằng nửa trái tim mà vẫn ung dung, họ bị bệnh mà không biết, cũng có khi biết mà cố tình không biết: Loại người cho vay nặng lãi, loại lừa thầy phản bạn, loại “ sống chết mặc bây….”, loại ăn bám nấp bóng dưới nhiều võ bọc… Xã hội văn minh cần phải đưa đối tượng nầy đi chữa bệnh, bù nửa trái tim đang thiếu đó vào đúng chỗ của nó để mỗi khi ra đường đều gặp những con người khỏe mạnh…Mọi người đều tựa vào nhau để hưởng thụ những giá trị của cuộc sống mà từ cổ chí kim đã nâng niu để lại cho đời …
Nếu có thêm dịch vụ nầy thì cuộc đời sẽ đẹp biết chừng nào. Ước mong. Ước mong ( cũng có thể chỉ là ước mong )

CÂY PHONG LAN BỆNH

Có một cây phong lan từng một thời đem về cho chủ nhiều huy chương vàng, tên nó là Rober Delight 31, bông màu đỏ sậm, có chút xíu hơi ngã sang màu tím, đẹp cực kỳ, rất khôn, trổ bông luôn rơi và những thời điểm có những cuộc so tài lớn.Một mình nó chiếm 3 huy chương vàng trong 3 năm liền. Nhiều người tại địa phương biết nó, biết cả người trồng nó. Nó mang về cho chủ tiếng tăm, được thưởng nhiều tiền, được đặt chỗ sang trọng và nhận được sự chăm chút ưu tiên hơn các loại ưu tiên...
Rồi thời gian đi qua, cây phong lan không đứng nỗi trước những cơn giận dữ của quy luật đào thải: Nó bị bệnh. Chữa trị nhiều cách, bằng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật, nhiều cách trị dân gian nhưng cây phong lan vẫn không hết. Sợ nó lây sang những cây khác, thôi đành cách ly đưa sang một chỗ an toàn hơn để giữ gìn cả giàn phong lan còn lại... Thoát ra khỏi giàn, một mình trong góc khuất, cây phong lan dần chết, nó chết dần trong sự bỏ quên của chủ, chết trong khô dần, khô dần bởi thiếu nước, thiếu phân, thiếu cả sự thăm viếng mỗi ngày như cái thời hoàng kim của nó đã từng.... Cây Phong lan quý chết thật rồi ....

Thứ Tư, 2 tháng 9, 2009

GẶP LẠI ĐIỂM MƯỜI




Phiên chợ tết chiều
Trên gói giấy hàng khô
Em gặp lại điểm mình cho
Vở cũ
Màu mực đỏ
Phai buồn theo năm tháng
Rưng lòng nỗi nhớ trường xưa

Luống tưởng sao lòng gặp phải song thưa
Cơn bão giấu bên ngòai
Dăm gạo trắng
Áo cơm thổi lật đùa: trang giáo án
Buổi điểm danh sáng mai vắng mặt cô rồi …

Giông bão đời
Đâu sá cánh chim trôi
Lót lại ổ cho tuổi vàng
Đã muộn!
Trên bục giảng em là người cho điểm
Lao vào đời
Gặp điểm kém đời cho

Xao xác chợ chiều
Tựa thước đập bàn khô
Dãy sạp bán kê đều như lớp học
Gặp lại điểm mười, em bật khóc
Tiếc ngày lót ổ
Tuổi vàng xưa…


LÊ NGUYÊN NGỮ

Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2009

LẦN THEO DẤU CHÂN NGỰA

Nhiều tập thơ có trên kệ sách, có những tập ghi lại một đôi bài thơ hay, có những tập được “ép tặng” hay người thân mang về tôi chưa có thời gian thâm nhập… tập Ngựa Hồng của CTC không nằm trong diện đó! Tác giả là một người lớn hơn chúng tôi một thế hệ. Tôi được thông báo trước qua email và người mang tới là một tri âm tri kỷ… Thật ra, trong lúc nầy mà có được thời gian ngồi mỗ xẽ từng con chữ, đo, đếm, cân, đong từng mạch cảm xúc của Nhà thơ thì hơi bị hiếm ( - ai cũng có trăm công ngàn việc để bị cuốn vào trong đó, và trên hết là phải nặng lòng với Thơ thì mới có thể nói chuyện Thơ được…) Thế mà tôi, lần đầu tiên đọc và ghi lại những cảm nghĩ của mình về Thơ Anh ( Ghi để không thôi đọc qua rồi, chuyện đời làm bay đi hết). Nguồn cảm hứng để tôi luôn mang tập thơ trong cặp của mình là với cái tên “ Người không quen vui” mà ĐTTV đã đặt cho Anh. Đọc trước tiên một số bài ngẫu nhiên, tôi chợt nhận ra lời tự bạch trên Blog của Anh “ Nhạy cảm, buồn và cô độc” – Sao mà đúng quá vậy?? Biết mình, nói về mình như vậy nếu không phải là hàng tá thời khắc luôn soi mình, độc thọai với chính mình trên cái nền của sự được mất trong cuộc đời nầy thì mấy ai nói đúng được. Xin bái phục.! Tôi rất hào phóng khi chia xẽ những câu chuyện đời thường nhưng rất kiệm lời trong việc khen chê ( Cái nầy nhạy cảm lắm, dễ sinh lớn chuyện, mất thời gian hiệu đính, sửa chữa lắm…), nhưng cái tạng buồn buồn, cái mạch nhìn đời qua lăng kính màu sương khói của Anh đã làm cho tôi ghiền mất. Tôi ghiền , nên tôi mới đọc, và đọc thì xin Anh cho tôi nói ( Có gì không đúng xin anh “ oánh” thằng em nầy- thế thôi !…)- Bắt đầu, xin Anh cho phép tôi lần giở từng trang theo thứ tự …
Đầu tiên là hình ảnh con ngựa- con ngựa xuất hiện nhiều trong thơ Anh, cũng có thể, có lúc anh ví mình như con ngựa” Thân chiến mã bây giờ phải đi kéo xe thổ mộ để hai miếng da che mắt tự bao giờ và những tiếng leng keng rơi vải trong những buổi chiều tàn
Như “ hạt lép” của Chế lan Viên, anh sinh ra giờ thứ hăm lăm và nhận ra “ nhân gian đông đúc mà không có người”…Nói với người hay nói với cuộc đời đây? ( Cái nầy hỏi CTC mới biết )
Hong khô” Anh làm động tác hong khô hơi nhiều. Có gì đâu! Ướt thì hong lại đấy thôi ...
Vô định! Đi, cuộc đời anh là một chuỗi dài của những cuộc hành trình đi tìm kiếm. Kiếm tìm một nửa như Anh nói nhưng theo tôi, ngay cả bây giờ hỏi anh tìm gì? Anh cũng chưa rõ… ?
Buồn- Anh gom hết nỗi buồn của nhân gian lại để rồi “ không chỗ đi lấy đâu chỗ quay về!”
Một tiếng vạc kêu đêm; Con vạc ăn đêm, lặng thầm lẻ loi, lẻ loi đến mức “ nỗi buồn đánh rơi và “ soi không tỏ một lối vào bóng đêm
Gặp khúc quanh trong cuộc đời anh nhớ người tình cũ. Khúc quanh càng gắt, anh càng thổn thức nhiều hơn… Chợt nhận ra” trong niềm vui có lẫn chút sương mù”. Bốn lần Anh nhắc lại ” trong niềm vui có lẫn chút sương mù”. Xin hỏi Anh “ có lẫn chút sương mù hay lẫn có chút sương mù ??
Uống cạn hòang hôn
. T.N.H “ uống cạn dòng sông vì lo ai nhan sắc mà về không kịp đò còn Anh uống cạn hòang hôn mà chỉ say một nửa? còn một nửa kia thì sao? Một nửa để tin hay một nửa để nghi ngờ?
Chiếc lá rơi không chạm đất bao giờ” có phải là ai đó với một tâm trạng xa quê “ hoài” về chốn cũ đó không ? – Nếu là thế thì hãy nhủ thầm ca từ bài “ Đêm đông của Nguyễn Văn Thương để cùng chia xẽ…
Mưa thường là cái “phông” để vẻ nên những nỗi buồn . Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Ở đây, người và cảnh như hai kẻ đồng hành tri âm . tri kỷ “ cơn mưa dài tận vô cùng/Nát tan cây cỏ, nát lòng tan hoang/Mười năm cũng giống trăm năm/ Cũng ngày cũng tháng cũng không có gì…….Giống như con ngựa xếp gió trước giòng sông bất lực. Trên con thuyền bé lênh đênh./ Bốn chân xếp lại buồn tênh ngựa hồng
Anh nói Anh ít khi uống rượu, có thể đúng . Nhưng say đến lúc trộn cả tiếng cười, tiếng khóc không đầy một ly và xem “ Đời tròn như cái vành ly ..” thì Ông Tản Đà có sống dậy cũng tôn Anh làm chủ xị ??
Bài thơ những ngọn nến hồng như tiếng chuông nguyện hồn ai . Có tiếng nấc, có nụ cười dỡ dang, có lời tự thú xin em về an nghỉ trong tôi …
Về Tiền Giang ( Quê tôi đó Anh ạ) Xin cảm ơn Anh đã” Tôi đổ vào tôi bóng hiu hắt/ Cuộc đời hiu hắt đổ trong tôi. Có khi trong cái cay nồng của rượu, cái lâng lâng khi uống rượu ta nhìn đời tỉnh táo hơn ….
Còn đấy ngày mưa ( trang 42)
Sự trong sáng chỉ một lần trong sáng/Bài thơ tình ai nỡ viết chi thêm/Thương biết mấy thuỡ lòng vụng dại/Đời trôi qua được mấy lúc êm đềm…- Không tắm được hai lần trên một dòng sông, ông Anh mình mang bến theo . Đừng mang bến theo, đề nghị Anh mang luôn cả dòng sông theo hay hơn.... Cách nầy hay đấy nhé- Học tập – học tập ?
Ký họa tự vẻ, sao giống cuộc đời của Khổng Trọng Ni vậy?. Biết nhiều nên không bằng lòng và cứ lang thang đi tìm….
Trang 48 Bài thơ luân lạc. Ký ức về buổi tiễn đưa tại phi trường Pleiku lại thức dậy nửa rồi? Có phải người ấy đã để lại một vết xâm khá đậm trong tim người nghệ sĩ??
Trang 50, Anh tìm bài “ Tiếng hát từ mặt trời và ánh lữa của Trần Long Ẩn” trong đó có từng đòan người thong dong/ đi về hướng mặt trời. Chúa cũng cầu mong như vậy .
Tình ơi trang 53: Có mưa, có sự cô đơn, có chút gì nao nao khi một thoáng hòai niệm về quá khứ. Nhạc tình thường là vậy
Trang 59: Sự bất tử của tình yêu. Biết yêu là khổ, nhưng ai cũng muốn khổ. Không khổ được, họ sinh ra thất tình và viết nên những vần thơ tuyệt tác …
Bạc màu tre trúc- Tiếng quê hay tiếng lòng anh đó? Màu của thời gian hay sự hoen rỉ trong tâm hồn ?
Trang 63 – Một vết thương êm ái khi không còn người phiên dịch
Trang 66 Em vì ta thay thế một miền quê- Xin lỗi Anh, đây là nỗi lòng của những kẻ tha hương. Với em ( Quê hương) là người lỗi hẹn…
Nốt nhạc trầm trang 68 đó là "10 năm gặp lại cuộc tình đã lỡ …." Để rồi “ Rơi xuống lòng nhau nốt nhạc trầm ( Anh nghe bài 10 năm tình cũ của Trịnh đi )

Hồn tôi em có thấy đâu không. Lạc mất rồi… Không nhớ nổi mình ? Khi những trầm tích đau thương trỗi dậy người ta thường thấy mình như một dấu chấm nhỏ nhoi trong dòng văn đời vô tận…
Mắc nợ con tàu
Lỡ sinh ra mắc nợ con tàu
Tự bao giờ nào anh có biết
Thì xin nợ của em đôi mắt
Trả con tàu chưa biết thuỡ nào xong
.
Ai đã từng đứng lẻ loi một mình trong sân ga, nghe tiếng còi tàu nặng nề, lười biếng, nhất là trong một buổi chiều tắt nắng thì mới cảm nhận hết dư vị của những cuộc ra đi và trở lại...
Trang 75 “ Thân chiến mã đi kéo xe thổ mộ, rơi vải trong chiều những tiếng leng keng. Lẻ ra nên đưa vào tiếng lóc cóc nện xuống đường thiên lý cho vần trắc xốn xáng được lan tỏa .....
Trang 77
Lại nhậu nữa! Không uống rượu mà cứ “ gầy độ” hòai . Thường thì khi buồn, con người nói chung hay tìm đến rượu” Dục phá thành sầu tu dụng tửu”mà ! Tâm trạng của kẻ độc hành trên đường thiên lý ….
( Đọan nầy xin đứt phim từ trang 78 đến 180. Lý do : Nhiều lý do.. )

Thay cho đọan gần cuối : Sau cùng là chiếc bóng. Và những tản mạn trong đêm. Những cái chung để đi đến cái riêng mình:
Từ độ chia tay em không trở lại
Một mình mang cả cuộc chia ly
Câu sáu thành ra câu thơ gãy
Câu tám lang thang biết đến bao giờ.
..

Tất nhiên rồi, Anh, người thợ dệt lụa thơ bằng những sợi tơ đời ngộ nghĩnh mang chính hiệu CTC mà !... Lâu lắm rồi mới gặp được một cặp lục bát như vầy ( Đã quá !)
Trang 185 : Nhận của đời bản sao thời khóa biểu/ để đi lần từng bước đến hôm nay. Lời tự thú bình thường giữa đời thường sao mà thật da diết ! Còn bao nhiêu cái vô thường, cái lạ thường nữa ẩn chứa trong 2 câu trên ??
Kết thúc tập thơ với “ Chờ nghe lời xưng tội hoang đàng “ Sẽ không có đâu để mà chờ. Chỉ có điều trong lúc chờ, anh sẽ nghe tiếng lòng thổn thức và sẽ hoang thai một đức con tinh thần nữa ."...( Hẹn Anh )

Thứ Bảy, 15 tháng 8, 2009

Viết nhảm

Bữa nay nghe Bà Trần Ngọc Sương, giám đốc nông trường Sông Hậu, người phụ nữ một thời các phương tiện thông tin đại chúng hết lời ca ngợi vừa lãnh án. Công và tội cách nhau gần quá? ... Ấy vậy mà khoảng cách giữa những con người trong cuộc sống nầy thì xa quá; Cứ xem ở mặt cắt về thu nhập thì thấy rõ : “- Hai vợ chồng trẻ, nặng nề chở 2 bao dừa khô không đổi được 2 tô hủ tiếu cho bữa ăn sáng, so với những bữa tiệc thư giản của các cô Chiêu , cậu Ấm?; Vào bệnh viện, nhìn những con người lam lũ xếp hàng rồng rắn để chờ nhận những viên thuốc bảo hiểm… thấy buồn quá! Giá mà mỗi cơ sở khám chữa bệnh cấp huyện được đầu tư, nâng cấp ngon lành để chia lữa cho tuyến trên thì hay biết chừng nào? Lại “ bất cập”, so sánh thành ra phạm thượng, chớ dân mình hay thiệt, cái gì khoái thì làm; làm rồi để đó không sử dụng cũng được, miễn được khen là chịu…Thật ra, cái gì hữu hình cũng đều có giá trị sử dụng cả! Chỉ có thứ tự ưu tiên là còn nhiều “bất cập”. Xây mà chưa sử dụng kịp thì khoan xây , đừng làm rồi bỏ đó, hoặc làm cho lấy có…
Sắp tới đây, 40% học sinh sẽ học tại các trường đại học tư thục? Mừng đây! Đừng lo túi tiền là rào cản duy nhất( Dĩ nhiên, đây là cơ bản )Mừng là sẽ sắp có cuộc cạnh tranh về chất lượng, mừng là trình độ đại học của ta sẽ được xếp đúng vị trí của nó …. Lẻ đời, nhanh/ ẩu, chậm /chắc. Làm sao cho nhanh mà chắc thì hay quá….

Thứ Ba, 21 tháng 7, 2009

Mừng quá! Nhận được tập Thơ của Ông Anh Long An

Người không quen vui! ĐTTV gọi Ông Anh mình như vậy cũng có cái lý của nó!, CTC, với Anh, tôi đã cảm nhận ra điều nầy. Khó tính ? chưa hẳn là vậy, VĐB chuẩn bị Hỉ sự cho con gái, cứ ưu tư có nên Mời Anh không? Tôi nói, Anh cẩn thận.– "Anh mình không thích những chỗ đông người được dàn dựng đâu"! Đông mà được “sắp sẳn” hình như Anh không thích lắm, ngọai trừ “bị mời” Anh chỉ nhận cái gì Anh cần, có khi và cũng có thể nhiều khi là một sự yên lặng …Đừng nói… hãy để thời gian bộc bạch, để giữ trong tận cùng sự suy nghĩ những ý tưởng của riêng mình. Tôi thích Thơ, có thói quen hay dùng Thơ để tìm quên trong những mất mác đời thường, của ai cũng được, miễn đó là ngôn ngữ được cách điệu hóa, miễn lắng đọng được trong tình, miễn ngôn tại ý ngoại là được. Với CTC thật là ý vị; Trong sự đong đưa của 6/8 tưởng như êm ả lại cồn cào dựng xóc. Cái tưởng bình thường lại không bình thường… Bao trùm lên đó là những thông điệp, những chiêm nghiệm đầy sâu lắng. Xin cảm ơn Anh đã cho tôi được nối dài sự suy tư của riêng mình. Cũng cảm ơn Anh đã chỉ ra những cung bậc trầm lắng của cuộc đời nầy để cùng sống hòa bình với nó . Thế hệ Anh, những người đi trước, thế hệ chúng tôi những người nối gót theo sau. Trước sau có thể chung một tiếng lòng thổn thức, có thể hà hơi tiếp sức cho nhau. Như vậy là hạnh phúc lắm rồi. Cầu mong Anh thật mạnh khỏe. Mạnh để tôi được soi mình trong đó. Mạnh để tôi luôn nghĩ rằng ở nơi xa ấy có một trái tim đang hằng ngày trôi vô định( Hỏng dám vô định đâu!!) trong cuộc đời nầy Anh ơi! cho tôi được gọi tên Anh thật khẻ với một sắc thái biểu cảm của âm thanh da diết và sự tôn kính thật lòng .

Thứ Hai, 13 tháng 7, 2009

VÁ LỔ ĐỜI


Mình nợ Ông Anh một lời hứa! Bấy lâu nay dưới góc nhìn của một người khó tính:- cuộc đời nầy nhiều chỗ rách mướp quá!, nhiều việc “ bất cập” quá.! Ừ nhỉ, từ “bất cập” gần đây thiên hạ lạm dụng nhiều ghê. Đụng tới cái gì không ngon, cái gì lọng cọng thì người tán ghép cho nó là bất cập. Bất cập riết rồi mang vào một cái ngữ nghĩa “ không ngon lành” ( nói theo dân Nam bộ)Thật tình, lòng không thanh thản, mấy ai nhìn đời bằng những gam màu tươi sáng được…
Vá lại những gì đã rách? Ai vá? Nhiều lắm, mấy chương trình nhịp cầu ( vòng tay) nhân ái, chương trình “ Như chưa hề có cuộc chia lý… ( cho dù có quãng cáo cho thương hiệu) cũng đã nhóm lên sự thổn thức cho những người nhạy cảm một chút gì nao nao khi chứng kiến những mãnh đời bất hạnh được chia xẽ.
Ai làm cho cuộc đời nầy rách( Cái nầy thiệt tình không dám nghĩ , cũng hỏng dám đổ thừa cho ai . Chắc tại nó tới hồi rách thì nó rách thôi …) Miễn có người vá là tốt rồi…! Đó là chuyện cuộc đời, còn chỗ rách trong chính bản thân mình thì ai vá đây…. Vụ nầy hơi rối đây? Ai biết rách chỗ nào đâu mà vá?- Có ai rao bán dịch vụ vá lổ đời không nhỉ?
Cần nhiều người đi làm công việc vá lổ đời. Cầu thì nhiều nhưng cung thì ít quá. Nó ít, bởi lẻ người ta khi lớn lên, khi thành đạt, khi thành ông nầy , bà kia lại quên đi những phép tính trừ,và chia khi mình bắt đầu học môn toán pháp thời tiểu học. Bốn phép tính kinh điển giờ chỉ còn lại hai là CỘNG và NHÂN. Phép TRỪ và phép CHIA hình như nhiều người cố tình quên ( Dù rằng không thể quên được)
Thiên hạ học dzốt phép TRỪ và phép CHIA thì rất ít người đi làm công việc VÁ LỔ ĐỜI. Vậy thôi …!

Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2009

Nghe nhạc miễn phí

Sự kết hợp bởi tiết tấu và âm thanh đã tạo ra những giai điệu mà người ta quen gọi là bản nhạc, khúc nhạc, cao hơn nữa là….( là gì nhỉ?). Nếu một lần đã từng ngồi một mình trong đêm vắng, bạn sẽ được nghe loài côn trùng có cánh chiêu đãi những bài hợp xướng tuyệt vời. Với khả năng thẩm âm của một người ít nhiếu có quen biết với âm nhạc, chúng ta sẽ bắt gặp trên hết là cảm giác của sự bình yên. Những âm thanh với sắc thái biểu cảm khác nhau được kết hợp lại gần như có một sự sắp xếp sẳn. Không thể gọi là tạp âm được; lúc thì chỗ nầy vang, lúc chỗ kia vang…Mà nhớ nhé, khi bản đồng ca của họ nhà Dế cất lên thì gần như các âm thanh khác không còn. Loài vật cũng lịch sự và tế nhị gớm, chúng biết nhường nhịn nhau đó chứ! Không tin, cứ thử xem!Mời bạn ngồi một mình trong đêm, bạn sẽ được nghe những nhạc công tài tình của thế giới nầy biểu diễn…..

Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2009

Tháng năm,

Gần tới ngày giỗ Khuất Nguyên rồi! Tháng năm, tháng có con người quẩn chí nhảy sông Mịch La để tìm một lời giải đáp cho mình ? Tháng năm, tháng diệt sâu bọ của ngày Đoan ngọ … Nhiều việc của tháng 5 quá! Nhiều ẩn ý của Ngày và tháng mà người xưa nhắc mình…- Sáng mở mắt ra! Phía trước vẫn là “ một câu hỏi lớn không lời đáp? Một chút xíu chau mày? Ừ nhỉ, cuộc sống nấy vốn dĩ là như vậy, những lời có cánh thường được cất lên trong cái chính diện của đời thường. Ai biết được phía sau nó là gì?
- - Có người thợ săn và đàn chim nhỏ…. Có con chim nhỏ, chim đang tâm sống vô tình, chim kêu vang, chim gọi bầy …Nào ngờ bên gốc cây, người thợ săn hôm trước vẫn âm thầm mang súng nấp sau hàng cây … Để rồi, để rồi …. Chim chết chim lạc bầy …
Lá xa cành đành thương cây bỏ bạn
Chim lạc đàn bay quờ quạng tìm nhau
Ở đời sẽ không tránh được niềm đau
Ra đi đừng để nỗi đau liền kề...

Thứ Tư, 13 tháng 5, 2009

Tháng năm! Một người Anh đã mất…

Tháng năm! Tháng năm rồi cũng sẽ qua đi! Vào Blog bằng sự tiễn biệt một người Anh- bạn vừa vĩnh viễn ra đi! Ngắn quá, chưa kịp bàn với nhau về những dự định…
Tiếc, những ngày tháng gần đây mình không gặp Anh. Một lần tìm nhưng Anh bận ở xa…Nghe nói những ngày cuối đời, Anh có nhiều nỗi buồn… Vậy đó thôi! Những ngôi sao xa ít khi chói sáng lắm, thời của nó đã xa rồi.. Dù sao, tên của Anh cũng có một thời, một thời để mọi người nhớ …Hiền, phong độ, dễ mến, rất gần gũi mọi người, hay pha trò để tạo thêm sự ấm cúng khi gần nhau.Và trên hết là tấm lòng, Anh thương các anh em bạn bằng một sự chân tình, bao dung. Sẳn sàng hết lòng với mọi người khi biết đó là những người thân của mình…LH, Anh LH của trường Che…Không LH của phòng ĐTBD năm nào… Anh đi, anh đi trong lá thu màu nhớ…

Thứ Ba, 28 tháng 4, 2009

Lộn xộn quá

Cái đầu của mình bi giờ lộn xộn quá, đọc rồi chỉ nhớ nội dung, chết nỗi là ở chỗ người viết ra nội dung đó thì lại không nhớ??
Cuộc đời trong giai đọan nầy sao mà nhiều bi- hài kịch quá ! Có những vở diễn mà dư âm để lại là những chiêm nghiệm đầy triết lý, cũng có nhiều vở không biết nói gì, cứ kịch bản cũ, diễn viên mới, cứ ngang nhiên chiếm hết dất của các “rạp” danh tiếng. Thời gian đi qua gậm nhấm dần sử tỉnh táo của con người: Lãng quên, buồn chán,quên hết những điều tốt đẹp mà con người CẦN phải làm! Tôi muốn nói đến những buổi họp, những buổi học CT … không biết diễn giả nói cái gì? Sao cái nào cũng nghe –thấy “quen quen”...
Người ta có thể ăn nửa ổ bánh mì để sống, nhưng không thể sống bằng nửa trái tim. Rất tiếc, thời bi giờ có nhiều người sống bằng ½ trái tim quá! ½ quả tim kia ở đâu? Xin thưa nó ở kế một bên, ở đó là đời thường, đó là khi con người rũ bỏ chiếc áo diễn viên của mình để trở về với chính mình bên cạnh những người thân của mình….Vậy đó, cuộc đời là vậy đó…..
Có ai biết được, có người nói: “ Làm nghề dạy học là tự đốt cháy mình để thắp sáng cho người khác không ?? Muốn cho người ta nghe và tin thì trước hết hãy tạo ra lòng tin. Lòng tin, một khái niệm định tính nhưng để đạt được cũng phải năm đường ba/bảy . Chính lòng tin đã là bệ phóng để con người vượt qua bao gian nan, thử thách… Lòng tin có được rao bán như tiếp thị dầu gội đầu không nhỉ???
Có lẻ ta phải như Ông Tản Đà, lúc nào cũng “say” say đến mức (hết thấy mồi gắp đường )thì mới không có cái cảm giác tỉnh- tức. Mà khổ thiết, hỏng lẻ say hòai! Lúc tỉnh thì sao ???

Thứ Hai, 20 tháng 4, 2009

Nếu không có ngày 30 tháng 4

Đinh Thị Thu Vân
Đừng trách gì nhé anh hãy nghe em kể hết
Những suy nghĩ nông nổi của một thời
Những trống trải không cách gì xua đuổi
- Nếu không có ngày 30 tháng 4

Nếu không có ngày 30 tháng tư
Em giờ vẫn như thưỡ nào sợ tay mình lấm đất
Sợ không biết khuyên mình những lời khuyên nghiêm khắc
Không một lần dám sống hy sinh
Và giữa dòng người cuộc sống gấp bon chen
Em đâu biết yêu ai một điều gì tuyệt đối?
Em sẽ đến vơi tình yêu bằng nửa trái tim yếu đuối
Còn một nửa trái tim kia dành để nghi ngờ
Em sẽ không hề nghĩ đến mầm cây khi nhìn những giọt mưa
Rồi có thể sẽ quên mầu của lữa
Sẽ nhập nhằng khi định nghĩa chữ “ dòng kênh
Sẽ… rất nhiều anh nghĩ phải không anh ?


Ngày tháng trước em là con ốc nhỏ
Con ốc đa nghi cuộn mình trong lớp võ
Sống vô tình mà ngỡ sống thông minh


Anh có lạ lùng khi em nói em ghen
Với quá khứ anh, những tháng ngày đánh Mỹ
Em ghen với mắt nhìn tự tin, nụ cười thoãi mái
Ghen với những say mê chưa từng có một lần
Em ghen với bạn bè anh, ghen với những tâm hổn
Từ dạo ấy tháng Tư Giãi phóng
Để rồi anh đi cái võ ốc vỡ tan dễ dàng như bong bóng
Những thất vọng tin yêu em đã gặp chính ở nơi mình
Em đổi những bé mọn của tâm hồn lấy lắm ngọt êm
Lòng vẫn nghĩ tháng Tư làm nhân chứng
Ôi nhân chứng bao dung, nhân chứng vô cùng người lớn
Làm thế nào em co thể đền ơn
Tháng Tư ơi xin đẹp mãi tâm hồn !
30-4-1981

Thứ Năm, 26 tháng 3, 2009

GHI LẠI

Tưởng giếng sâu, tôi nối sợi dây dài
Ai ngờ giếng cạn, ???


…. Sau một chuyến dài ngày dẫn độ gần 200 CBQL đi thực tế bộ môn ở hai tỉnh Tây Ninh và Cà Mau!
Được gặp lại những gương mặt ngày nhớ, đêm trông, được đăng đàn thao thao diễn giải về khái niệm “ tiếng gọi bầy đàn”. Một chút gì đó bâng khuâng, xao xuyến sau cái bắt tay siết chặt. Soi rọi lại xứ mình, thì ra vẫn còn có nhiều cái đáng iêu hơn! Bấy lâu nay, chỉ loay quay với việc ngồi lưng trâu đếm trâu, quên đếm con mình đang cởi( Cứ nghĩ mình mất một con trâu).Cái được nhất sau chuyến đi là mình thấy bạn vẫn hằng ngày an tâm và vui vẻ với công việc hiện tại…bạn còn khó hơn ta mà bạn vẫn yêu đời???Ừ nhỉ! Cuộc sống nầy là như vậy đó:
Rồi thì:
Những dòng sông trôi đi, cuộc sống rất còn dài
Cơn gió cũ qua rồi đời vẫn mát
Mỗi góc phố một khỏang trời xanh ngắt
Lại đưa ta về trong mắt của tình yêu TÌNH YÊU…

Chủ Nhật, 15 tháng 3, 2009

Anh Bình nói

Hoang mang bơi giữa phàm trần
Trăm bờ ảo vọng, nghìn tầng quạnh hiu!
Oh! Giai điệu và gam màu rất hợp. Sao mà mũi tên như kẻ chỉ nằm gọn ngay giữa hồng tâm của TP thế…?? Còn 50% nửa của 2 câu trên, chờ hoài…Tức anh ách… Anh B ơi! Hình như; dang dỡ, lỡ làng, một chút gì đó vắng và thiếu thì mới đọng phải khônng Anh ?

Mãi quen với kiếp phiêu bồng
Gót chân lỡ bám bụi hồng lãng du
Chợt nghe lá thức chiều thu
Dạo đầu những khúc tình ru muộn màng

Thứ Ba, 3 tháng 3, 2009

Truyện ngắn của Y.Kawabata

Trái tim

Nàng nhận được lá thư của người chồng không còn yêu nàng nữa và đã bỏ đi. Thư đến từ một noi xa! Phải hai năm nó mới đến tay người nhận
Anh ta viết:” Em đừng cho con chơi bóng. Những trái bóng của con dội mãi tới đây vò xé tim anh”
Nàng tước của đứa con gái- nó mới lên chín- quả bóng cao su.
Người chồng lại gửi thư tới. Lần nầy từ một vùng còn xa hơn nửa.
Anh ta viết:”Đừng cho con gái đi giầy da tới trường. Tiếng giầy của nó vẳng mãi tới trường và anh cảm thấy nó nện vào chính tim anh”
Thay cho giầy da, nàng cho con đi đôi xăng-đan bằng một thứ vải mềm. Đứa nhỏ khóc và kết cục nó không chịu đi học nửa.
Mấy tháng sau lá thư thứ hai, người chồng lại gởi tới một bức thư nửa. Nét chữ xiêu vẹo, vẻ thiếu tự tin, thứ chữ người già
Anh ta viết:”Đừng cho con gái ăn bằng bát sứ. Tiếng bát đũa khua mãi tới đây nhức nhối tim anh”
Nàng cho con ăn bằng bát đàn đũa tre, như một đứa trẻ ba tuổi. Và nàng nhớ lại thời nó mới lên hai, chồng nàng lúc nào cũng vui vẻ, sống bên hai mẹ con.
Không hỏi gì nàng, một lần con bé lôi bằng được cái bát sứ của mình ra khỏi tủ chén. Người mẹ vội giằng lại và vứt cái bát ra vườn. Chiếc bát rơi đúng vào con đường nhỏ lát đá và vỡ tan ra. Nàng nghĩa rằng việc đó sẽ vò xé trái tim chồng. Cau mày suy nghĩ, rồi nàng vứt nốt cả chiếc bát của mình ra cửa. Tiếng bát vỡ lại vang lên đánh choang. Liệu nó có vò xé trái tim anh ấy ? Nàng vứt tung cả cái bàn ăn ra vườn. Ôi, cái âm thanh nầy! Như phát điên, nàng lao đến bên tấm vách ngăn bằng giấy, đấm vào đấy, vứt tung nó trên sàn.
-Me…ẹ!- Đứa con gái khóc, chạy tới bên bàn-Me…ẹ….Me….Me…..ẹ !
Nàng vùng dậy đánh vào má con
- Anh có nghe, anh có nghe tiếng con gào thế nầy không?!
Người chồng lại gửi thư đến. Thư viết từ một vùng mới còn xa hơn nữa.
Người chồng viết:” Em đừng làm gì phát ra tiếng động nữa… Em đừng khép cửa, đừng mở cửa…. đừng lên giây đồng hồ, để không ai nghe tiếng tích tắc của nó. Em đừng thở mạnh….”
“- Em đừng…. Em đừng…. Em đừng….”- Nàng nói thầm một mình, nước mắt ứa ra, dàn dụa trên mặt.
Và trong nhà không ai còn nghe thấy một âm thanh nào nữa. Cả hai mẹ con nàng đã chết.
Nhưng kỳ lạ sao, trên gối, bênh cạnh khuôn mặt người vợ đã chết, còn thấy khuôn mặt người chồng đã chết cũng đang yên giấc
VƯƠNG TRÍ NHÀN
(Dịch qua bản tiếng Nga )

Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2009

1000 năm trước, ông cha ta quan niệm về lẽ thịnh suy

Thân như điện ảnh hữu toàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô

(Thân người như bóng chớp, có rồi lại trở lại không
Như muôn cây cỏ mùa xuân tươi tốt, đến mùa thu khô héo
Ngẫm và hiểu cái lý của thịnh suy, lòng không sợ hãi
Vì thịnh suy nối tiếp nhau(chỉ) như khoảng thời gian hạt sương móc trên đầu ngọc cỏ)
Thị đệ tử - Vạn Hạnh thiền sư

Sau 1000 năm, lẽ "thịnh suy" trong cuộc đời nầy là gì?? Mỗi người có mỗi cách lý giải riêng... Chỉ biết mệt mõi quá, dùng triết Thiền để giải nguy cho cái đầu sắp nổ tung ra đây! Bi giờ mình mới NGỘ ra, trên trái đất nầy có dòng sông THIỀN vẫn âm thầm chảy, nó cuốn phăng mọi ưu phiền sầu nảo mà con người gặp phải. Anh B phê bình mình còn hay sa vào những cái "vụn" quá! ... Thật là khó? Tách bạch ra để làm người thánh thiện với ánh hào quang thanh thoát ? Hơi bị khó đấy! - Dưới chân Như Lai vẫn còn đầy những chúng sinh oằn mình trong bể khổ. Những gương mặt biến dạng đi của các Vị La Hán trong chùa Tây Phương há chẳng phải là một điển hình đó sao ? Thôi thì , lúc nào bế tắc hãy ráng tìm về với với những triết lý sâu lắng của Thiền ( Dù có rất và rất nhiều chỗ không thể nào hiểu ra được) Nếu hiểu được thì trên thế gian nầy đâu có chỗ đứng cho THIỀN . Thôi, cứ đi vào rồi sẽ rõ. Từ trong góc khuất của tâm linh, mình sẽ tìm ra sự huyền diệu khi bắt gặp chân lý.... Cứ vững tin là như vậy. Môt ngày bình tường nữa sắp qua đi...

Thứ Sáu, 20 tháng 2, 2009

La Sơn Phu tử nói

筭 來 世 事 金 能 語
Toán lai thế sự kim năng ngữ
說 到 人 情 劍 慾 鳴..
Thuyết đáo nhân tình kiếm dục minh ..
..................
Gẩm lại sự đời vàng biết nói
Nhắc tới tình người kiếm muốn reo

Chủ Nhật, 8 tháng 2, 2009

- Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tím

- Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tím/ Em có chồng rồi, trả yếm lại anh! - Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc xanhYếm em em mặc, yếm gì anh, anh đòi! Bài ca dao rất gần gũi với nhiều người, cũng không có nhiều dị bản. Một số đặc điểm thi pháp gây ấn tượng là kết cấu, ngôn ngữ, thể thơ và biểu tượng.
1. Kết cấu:Hai vế có quan hệ đối lập về hình thức Đây là một khúc ca đối đáp giữa một người nam và một người nữ. Chúng ta chưa bàn đến câu 1 và câu 3 vội, vì 2 câu này bắt đầu là một câu đưa đẩy thuộc thể phú trong nghệ thuật cấu tạo một bài ca dao. Và dù hoa cúc vàng có nở ra bất kỳ một màu sắc gì khác thì nó cũng không làm thay đổi ý nghĩa đích thực của câu 2 và câu 4. 2 câu đầu là một lời ca dao, 2 câu sau là một lời ca dao khác, và chúng có quan hệ đối đáp - đối lập nhau về hình thức. Bởi trên bình diện ngôn ngữ, chúng ta thấy đó có thể là một cuộc đòi yếm/trả yếm và sự chối từ, một cuộc đòi - trả không thành công. Sự đa dạng của những phán đoán về nội dung Chúng ta thử minh xác xem đây là một cuộc trả yếm hay là một cuộc đòi yếm.Vì đây là một khúc ca được thể hiện trong một buổi hát đối đáp nào đó nên nội dung đích thực của nó chỉ là một giả thiết. Tuy nhiên, dù chỉ là một giả thiết thì giả thiết đó cũng phải phản ảnh được tâm tình chung của quần chúng thì mới được quần chúng lưu truyền cho tới ngày nay.
Có 2 giả thiết:
Giả thiết 1: Nếu cô gái hát trước thì đây là trường hợp xin trả yếm. Ta có thể nói xuôi ý câu này như sau: Đây là chiếc yếm anh tặng em khi chúng mình yêu nhau, nhưng nay vì duyên nợ không thành, bây giờ em đã có chồng, nên em xin trả chiếc yếm này cho anh. Và chàng trai đã trả lời một cách dịu dàng: Quả là anh có tặng em chiếc yếm đó, thế nhưng bây giờ em đã mặc nó và vì vậy bây giờ nó là của em. Nó đâu còn là của anh nữa mà bảo anh đòi!
Giả thiết 2: Nếu người con trai hát trước thì đây lại là đòi yếm. Lời người con trai thật cương quyết: Ngày trước tôi có cho cô một cái yếm. Nay cô đã có chồng cô phải trả lại cái yếm đó cho tôi. Cô gái đốp chát lại một cách đanh đá: Này, tôi bảo cho mà biết, yếm tôi đang mặc thì nó phải là yếm của tôi chứ yếm gì của anh mà anh lại đòi! Vô duyên! Xét về phương diện tâm lý, đã có can đảm đòi lại cái yếm mà mình đã cho người mình yêu, dù rằng người yêu của mình đã ôm cầm sang thuyền khác, thì đó là một hành vi không còn tình nghĩa. Đã không còn tình nghĩa thì giọng điệu phải gay gắt. Giọng điệu của chàng trai đã gay gắt thì giọng điệu của cô gái cũng phải chua ngoa cho tương xứng. Cứ xét theo giọng điệu thì giọng điệu của câu 2 không thể là giọng điệu của một người “đòi nợ” và giọng điệu của câu 4 không thể là giọng điệu của một người “bị đòi nợ”. Chữ “em” và chữ “anh” trong câu 2 và trong câu 4 nghe hiền lành, tràn trề tình cảm. Thử là giả thiết 2, bài ca dao phải được chuyển cách xưng hô như sau: - Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tím Cô có chồng rồi cô trả yếm cho tôi - Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc xanhYếm tôi tôi mặc, yếm gì anh anh đòi! chứ không thể là cách xưng hô “anh-em” “em-anh” tình tứ như thế được. Vả lại, anh con trai nào lại chẳng nhớ nằm lòng câu ca dao này: Bắc thang lên hỏi ông trời Tiền cho gái có đòi được không? Bắc thang lên hỏi ông trăng Của chàng cho thiếp nói năng thế nào? Tuy nhiên, không đồng tình với hai cách hiểu và lý giải đó, tôi cho rằng bài ca dao thể hiện sự nuối tiếc về một tình yêu đẹp trong quá khứ. 2 câu đầu theo tôi là lời nói của chàng trai, chàng cất lên lời đòi yếm, nhưng mục đích chính là để hờn trách người con gái đã lấy chồng. Biết bao yêu thương vẫn còn chứa trong những câu thơ tám chữ đó. Người con trai chắc hẳn không muốn đòi lại chiếc yếm thật sự. Bởi "tình đã cho không lấy lại bao giờ" (Xuân Diệu).Tình cho không biếu không mà lị . Có thể anh đòi lại vì sợ nếu giữ nó, cô gái sẽ không dứt khoát với hoàn cảnh mới, cô sẽ vấn vương và sẽ khổ. Cũng có thể, anh muốn ướm lời để xem tình cảm của người con gái hiện giờ ra sao. Còn 2 câu sau là lời cô gái, dù đã có chồng nhưng thái độ của cô rất cương quyết không trả lại kỷ vật của người yêu - dải yếm đã trao cho mình trước đây. Hành động ấy thể hiện nỗi đau hiện tại trong lòng cô gái và sự nhớ thương một mối tình mà cô không nỡ lìa bỏ. Vì thế, cô từ chối trả yếm, từ chối một cách yếu ớt bằng lời nói. Hãy đọc lại "Yếm em em mặc, yếm gì anh anh đòi !". Câu thơ phá cách của một câu thơ 8 chữ, đay đi đay lại ngôn ngữ xưng hô mà hẳn trước đây, hai người hay nói với nhau "em" - "anh". Giữ yếm lại như hành động giữ một kỷ vật, tình yêu của chúng ta tuy không thành nhưng cũng không đáng phải "sòng phẳng"đến thế, không cần phải xoá mọi dấu vết về nhau. Sự không trả lại chiếc yếm chứng tỏ tình yêu của cô đối với chàng trai. Tình yêu ấy quan trọng hơn tất cả những đòi hỏi khác. Em giữ tình yêu ấy thì đấy là một niềm an ủi cho anh, và cho cả em rồi còn gì ! Hiểu như thế, chúng ta sẽ thấy cả hai con người này đều rất đẹp, diễn biến tâm lý của họ rất logic với lời ca dao trữ tình tha thiết này. Do vậy, về hình thức, bài ca dao là 2 lời có quan hệ đối lập nhau nhưng thực chất, có sự thống nhất về tình ý.2. Biểu tượngYếm :Áo yếm không chỉ đơn giản là thứ trang phục của người phụ nữ xưa mà còn có những ý nghĩa và giá trị về tinh thần cũng như nghệ thuật. Cái yếm đã đi vào những câu ca dao, tục ngữ, những câu thơ lãng mạn, những câu chuyện tình vương vấn với những mảnh yếm thắm lụa đào làm ngơ ngẩn lòng người.Hình ảnh chiếc Yếm đã để lại bao nuối tiếc, ngợi ca trong lòng các thi nhân ở mọi thời. Không chỉ thơ ca dân gian, mà những nhà thơ của thời hiện đại đều “phải lòng” yếm. Yếm trở thành ngôn ngữ trao gửi tình yêu. “Trời mưa, trời gió kìn kìn/ Đắp đôi giải yếm hơn nghìn chăn bông”. Và “Ước gì sông rộng một gang/Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi”. Chiếc cầu dải yếm không có trong thực tế nhưng lại là chiếc cầu đẹp nhất và gợi cảm nhất trong ca dao. Ý nghĩ đó thật táo bạo nhưng cũng thật đằm thắm. Ở đây, chiếc yếm trở thành biểu tượng cho khát vọng tình yêu mãnh liệt của những chàng trai, cô gái lao động xưa. Chiếc yếm còn là cái cớ cho các chàng trai tỏ tình “Hỡi cô mặc áo yếm đào/Đi trong đám hội có chồng hay chưa?”. Chiếc yếm còn là nỗi nhớ nhung, mong đợi của kẻ xa quê “Mình về mình có nhớ chăng/Ta về như lạt buộc khăn nhớ mình/Ta về ta cũng nhớ mình/Nhớ yếm mình mặc, nhớ tình mình trao”. Nữ sĩ Xuân Hương của chúng ta đã hoạ bức hoạ bằng thơ hình ảnh thiếu nữ với chiếc yếm đào nửa thực, nửa ảo “Lược trúc biếng cài trên mái tóc/Yếm đào trễ xuống dưới nương long/Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm/Một lạch đào nguyên suối chửa thông” đã làm cho chàng quân tử dùng dằng đi chẳng dứt... Nguyễn Bính thì đau khổ khi thấy “em đi tỉnh về”: “Nào đâu chiếc yếm lụa đào/Chiếc khăn lưng đũi nhuộm hồi sang xuân”... Thông thường, người phụ nữ tự chọn vải, chọn màu rồi tự cắt may lấy cái yếm để dùng. Thế nhưng, đôi khi chiếc yếm cũng được sản xuất hàng loạt để đem bày bán. Và từ đây, chiếc yếm đã là một tặng phầm hết sức thân tình để trở thành những kỷ vật rất được trân trọng của người phụ nữ. Có thể là một chàng trai mua một chiếc yếm để tặng người yêu: Anh mua cho em cái yếm hoa chanh Ra đường bạn hỏi, nói của anh cho nàng! Có một chàng trai khen một cô gái mặc chiếc yếm thắm bé bé xinh xinh. Chàng khen “người cắt cũng khéo, người khâu cũng tài”. “Người” ở đây chưa xác định là ai. Thế nhưng, ngay mấy câu tiếp chàng lại xác định chính chàng đã thêu nhạn, thêu hoa trên chiếc yếm: Hỡi cô yếm thắm lòa lòa Yếm nhiễu, yếm vóc hay là trúc bâu? Hay là lụa bạch bên Tàu? Người cắt cũng khéo, người khâu cũng tài! Một đàng anh thêu nên nhạn Hai đàng anh mạng nên hoa Yếm ấy anh để trong nhà Khen ai mở khóa đem ra cho nàng! “Khen” thì ai khen? Và “ai” ở đây là ai? “Yếm ấy anh để trong nhà” và chắc là “anh” đã cất kỹ lắm, có thể là trong rương và chìa khóa “anh” giữ. Vậy thì “ai” có thể “mở khóa đem ra cho nàng”? Còn ai trồng khoai đất này nữa chứ? Chính chàng đã tự khen mình tạo nên chiếc yếm xinh đẹp và chàng đã tự tay mang ra tặng cho nàng. Và chàng lại tự khen cái hành động tỏ tình tha thiết của mình. Và cũng từ cái việc tặng yếm này, mới dẫn đến bài ca dao như chúng ta đang phân tích. Như thế, lời mở đầu bài ca dao là lời của chàng trai là cách hiểu đem lại một hiệu quả thẩm mỹ rất lớn.Mô-típ biến hoá biểu tượng cho sự đổi thayKết cấu của mô-típ: A hoá /nở ra... BVí dụ: - Bao giờ cá gáy hoá rồng ...- Ngày đi trúc chửa mọc măngNgày về trúc đã cao bằng ngọn treNgày đi em chửa có chồngNgày về em đã con bồng con mang.Ở trong bài ca dao này là: Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tímvà Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc xanhÝ nghĩa: nói lên sự đổi thay. Đấy có thể là một câu đưa đẩy quen thuộc của ca dao, nhưng ở đây, nó biểu hiện trong lời người con trai là sự ngỡ ngàng và nỗi đau thành thật, biểu hiện trong lời người con gái là sự khẳng định một cách đau xót sự thật ấy, cái quy luật "nhất thành bất biến" ngang trái và trớ trêu kia, nhưng trong lời nói người con gái, cô như muốn đưa ra một niềm an ủi từ cái lẽ không thể chống lại được tạo hoá. Như vậy, phân tích những đặc điểm thi pháp cho chúng ta cách hiểu rất bất ngờ về bài ca dao này. Bài ca dao là một sự biện minh cần thiết của tình yêu không đi đến hôn nhân. Đấy là một cách "giải quyết" không những hợp tình hợp lý mà còn đẹp cho cả hai người.